Bạn đang ở đây

Yên Bái đẩy mạnh khuyến công công nghiệp nông thôn

12/06/2020 09:54:54

Trong những năm qua, hoạt động khuyến công Công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Yên Bái đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế- xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất gỗ thanh xuất khẩu

Là địa phương có thế mạnh về trồng rừng như huyện Trấn Yên, Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Khoa đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại sản xuất gỗ thanh xuất khẩu cho thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…. Được hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Yên Bái trong việc đầu tư nâng cấp công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn, đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến tìm kiếm đối tác, đến nay công ty đã có nguồn thị trường xuất khẩu ổn định, trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu từ 4-6 công-te-nơ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Khoa xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên cho biết: “Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Sở Công Thương đã giúp đỡ cho doanh nghiệp rất nhiều như hỗ trợ hệ thống nồi hơi, các cuộc xúc tiến tìm kiếm bạn hàng ở trong nước cũng như ở nước ngoài, như Hàn Quốc, Nhật Bản, và thị trường Đông Nam Á… thực tế đã mang lại hiệu quả rất nhiều cho doanh nghiệp, cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương, thu nhập bình quân từ 7,5 triệu đồng đến gần 9 triệu đồng/người/tháng.”  

HTX Quế hồi xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, thành lập tháng 4/2017, HTX có 22 thành viên, phát triển vùng sản xuất tập trung trên diện tích 90 ha, sản lượng thu mua bình quân 70 - 100 tấn quế/tháng. Được biết, ngay khi thành lập, Ban Giám đốc HTX xác định sản xuất hiện đại là điều kiện tất yếu để tạo ra những giá trị bền vững.  Do đó, từ các nguồn lực hỗ trợ, HTX đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ xuất thô, đẩy mạnh chế biến. Ứng dụng công nghệ vào chế biến và hiện nay đang tạo ra 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao, với các mặt hàng chủ lực như: quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế… đang có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, HTX đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ có tổng diện tích trên 14.000 m2, công suất từ 80 - 100 tấn quế tươi/tháng, vốn đầu tư 80 tỷ đồng với dây chuyền máy móc hiện đại thực hiện các khâu chế biến như: cắt, thái, tháp tinh cất tinh dầu…

Ông Nguyễn Bá Mão, Quản lý HTX quế hồi xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho hay: “Ngay khi mới thành lập HTX chúng tôi được hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật sơ chế từ nguồn khuyến công của tỉnh đã giúp các sản phẩm quế trở nên đa dạng, chất lượng cao hơn. Giá quế ổn định ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng 15 - 20% so với trước, sản phẩm của chúng tôi đều là sản phẩm hữu cơ, đến nay sản phẩm của HTX đã xuất khẩu đi Châu Âu, thị trường Thái Lan, Trung Quốc…”

Những năm qua, Sở Công thương tỉnh Yên Bái đã phối hợp thực hiện 25 đề án khuyến công quốc gia và 103 đề án khuyến công địa phương với kinh phí hỗ trợ triển khai các chương trình là gần 25 tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và nguồn khuyến công địa phương. Nguồn kinh phí này thu hút tới hơn 136 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh.   

Ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, Sở Công Thương cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Sở Công Thương Yên Bái đã xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó, đến hết năm 2020, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị cho mở rộng sản xuất, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Cụ thể, khuyến công tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo 150 lao động cho các cơ sở CNNT; tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho 200 học viên; xây dựng 1-2 mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ từ 50-55 cơ sở đầu tư mới công nghệ sản xuất; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 1 cụm công nghiệp…

Giai đoạn 2020-2030, khuyến công tỉnh Yên Bái sẽ ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Ưu tiên các chương trình triển khai tại các huyện nghèo, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ưu tiên hỗ trợ như: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu, sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ... góp phần khai thác tốt tiềm năng của địa phương./.

Nguồn: Cổng TTĐTYB