Bạn đang ở đây

Ý nghĩa của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”

18/08/2022 16:35:55

 I. Vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào Nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là “thế trận lòng dân”, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) nêu rõ: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”.

Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 186-CT/TW, ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về mấy công tác lớn phải làm để đẩy mạnh công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, nhằm bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc” nêu rõ: “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày. Đó là hình thức tốt nhất để phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch để giữ gìn trật tự an ninh chung”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc…Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh toàn diện kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày 01/12/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, các đoàn thể chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Ngày 19 tháng 8

Ra đời trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, tuy còn non trẻ song lực lượng Công an đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, dựa vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để tuyên truyền và vận động nhân dân hăng hái tham gia vào các tổ chức như: “Việt Dũng thanh niên đoàn”; “Việt nữ đoàn”; “Cảnh sát danh dự không lương”,…sát cánh cùng lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945) bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến, tham mưu với Đảng, Chính phủ chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “ba không”, nội dung phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền chiến lược: ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do là “Không nghe, không biết, không thấy”; ở vùng tạm bị chiếm là “Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”, ở Nam Bộ phát động nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm. Các cuộc vận động trên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho nhân dân, bưng bít tai mắt quân thù và nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “phòng gian bảo mật” với các nội dung: bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” tự trị…ở miền núi phía Bắc và lập “Nước Tây kỳ tự trị”, “Nước Nam kỳ tự trị” ở phía Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ở miền Bắc, Trung ương phát động phong trào “Bảo vệ trị an” trong nhân dân và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở ba vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp”. Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, như các xã: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Yên Bái), Thanh Bình (Lào Cai), Quang Chiểu (Thanh Hóa), Khối 30, Khu Đống Đa (Hà Nội)…

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào “Quần chúng bảo vệ trật tự an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/2005/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo chuyển biến mới về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác an ninh, trật tự, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn cơ sở, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.

Trong 16 năm qua, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từng bước đi vào cuộc sống, tổ chức hướng về cơ sở, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo “phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hằng năm gắn với các hoạt động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân.

Các hoạt động tiến tới Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được cấp ủy, chính quyền, công an các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ trên các mặt, từ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, nhóm đối tượng, địa bàn, tầng lớp di cư. Nhiều đơn vị, địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin (báo điện tử, mạng xã hội…) để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn và đối tượng tác động. Phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhận được sự tham gia, hướng ứng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, thôn, xóm…trong toàn quốc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã gắn kết với các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,…được đông đảo người dân hướng ứng tham gia.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hằng năm được các địa phương đảm tổ chức đảm bảo yêu cầu, thiết thực, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phong trào; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể các cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong Ngày hội nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, ca múa nhạc; thi đấu thể thao; trò chơi dân gian; diễn tập phòng chống cháy nổ; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; thi tìm hiểu pháp luật về an ninh, trật tự…thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều địa phương còn tổ chức các hoạt động xã hội có ý nghĩa như tổ chức khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn…Chính vì vậy, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trở thành phong trào rộng khắp tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thực sự là ngày hội của Nhân dân.

Nguồn: Văn phòng Sở