Để thực hiện mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh sẽ huy động nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia vào quá trình này.
Thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư
Theo mục tiêu của đề án ĐTTM đã được phê duyệt tập trung giúp thành phố (TP) giải quyết các vấn đề tắc nghẽn kéo dài như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó đề án này sẽ tăng cường khả năng tương tác, xây dựng và phát triển TP giữa chính quyền TP với DN và người dân.
Đến nay, TP đã đề ra các giải pháp thực hiện 5 trung tâm, trụ cột cốt lõi của Đề án ĐTTM đó là xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho toàn TP số hóa hoàn toàn; một công ty an ninh thông tin thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này và 2 trung tâm giúp TP điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp dự báo các kịch bản phát triển kinh tế xã hội một cách chính xác.
Theo ông John Rockhold - Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham), từ những mục tiêu cụ thể mà TP đã đề ra với kinh nghiệm hơn 20 năm trong xây dựng các ĐTTM, các DN Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Thời gian qua, nhiều DN Hoa Kỳ như Cisco, Dell, Hexagon Safety & Infrastructure, Honeywell, IBM, Microsoft, Rockwell Automation... đã giới thiệu các giải pháp sáng tạo có thể giúp TP phát triển Trung tâm vận hành thông minh (IOC) - một giải pháp có các chức năng như là "bộ não" của ĐTTM, kết nối các thế giới kỹ thuật số và vật lý.
Cũng trong thời gian gần đây, nhiều tập đoàn, DN đến từ Đức, Hà Lan cũng đã thực hiện các chương trình nghiên cứu thực tế, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương để triển khai các dự án xây dựng ĐTTM. Đơn cử, Tập đoàn Philips song song với việc làm dự án lắp đặt đèn đường tại TP mới Bình Dương cũng đã xây phòng thí nghiệm cho Trường đại học quốc tế Miền Đông nhằm nghiên cứu giải pháp công nghệ mới phù hợp với thực tế phát triển ĐTTM tại Việt Nam từ đó chuyển giao, thương mại hóa rộng rãi.
"Mới đây, Tập đoàn Bosch (Đức) cũng đã dành khoản đầu tư khá lớn để xây dựng phòng thí nghiệm mới nhằm nghiên cứu các giải pháp hướng tới xây dựng ĐTTM và công nghiệp 4.0 tại Việt Nam" - ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam cho hay.
Chú trọng thu hút đầu tư vào các dự án cụ thể
Theo ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban điều hành ĐTTM, trong giai đoạn đầu TP đang vận dụng những giải pháp công nghệ hiện có và Ban điều hành cũng mong muốn nhận được sự tư vấn, cung cấp các giải pháp tiên tiến đã được áp dụng tại các đô thị ở nước ngoài có điều kiện giống như TP. Hồ Chí Minh.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Lê Dương Lâm, Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Crowbiz (Mỹ) cho hay, những ĐTTM thành công đều có chung chiến lược về bảo mật và chia sẻ dữ liệu chung. Với TP. Hồ Chí Minh, việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC) là ưu tiên số 1 nhằm tập trung tổng hợp và phân tích thông tin, dữ liệu đa nguồn từ nhiều lĩnh vực để giám sát quản lý và phân tích dự báo phục vụ quy hoạch phát triển.
TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành rà soát lại từ quy hoạch quỹ đất đến cơ cấu ngành với mong muốn thu hút các dự án công nghệ cao, xây dựng ĐTTM. Đến nay, TP đang có 190 dự án kêu gọi đầu tư tập trung vào mục tiêu phát triển này. TP sẽ luôn đồng hành, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng TP. Hồ Chí Minh sớm trở thành ĐTTM kiểu mẫu cho cả nước. Từ phía các nhà đầu tư cũng cho rằng họ sẽ mạnh dạn đầu tư hơn khi có các chính sách, luật rõ ràng nhất là khung pháp lý cho mô hình hợp tác công - tư (PPP), đảm bảo môi trường an ninh mạng...
Nguồn: Báo Công thương