Bạn đang ở đây

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI BAN HÀNH KẾ HOẠCH Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025

14/09/2021 15:33:50

Ngày 10 tháng 9 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND, phát triển thương mại điện tử tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025

Mục đích

Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong cộng đồng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ…

Thu hẹp khoảng cách giữa các địa bàn, thị xã, thành phố và vùng nông thôn về mức độ phát triển thương mại điện tử.

Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững trong hoạt động quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử trong nước và ngoài nước.

Góp phần nâng cao chỉ số phát triển thương mại điện tử của tỉnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 300USD/người/năm.

30% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 10%/năm chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

40 - 50% Website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

35-50% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

100% cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp được cập nhật kiến thức mới về thương mại điện tử.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 40% trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 50%.

40% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh được tham dự các khoá đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử; cung cấp các kiến thức pháp luật, các quy định của nhà nước về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, các phương thức kinh doanh trong thương mại điện tử cho các doanh nghiệp.

(Kế hoạch số 216/KH-UBND tại file đính kèm)

Nguồn: TTKC&XTTM

Tài liệu đính kèm: