Sáng 3/7, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khối chế biến nông lâm sản thực phẩm 6 tháng cuối năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công Thương, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.
Hội doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản gồm 19 doanh nghiệp là các doanh nghiệp chế biến, sản xuất chè, gỗ… Trong 6 tháng đầu năm 2020 các sản phẩm lâm, nông nghiệp, thủy sản chủ yếu sản xuất thu mua theo mùa vụ; thị trường tiêu thụ không ổn định, đặc biệt là thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid 19; sản phẩm gặp khó trong tiêu thụ, chi phí sản sản xuất lớn, lãi suất ngân hàng cao… điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên các doanh nghiệp của hội luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn duy trì sản xuất kinh doanh đảm bảo đúng pháp luật; các doanh nghiệp đã tự tìm nhiều giải pháp quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững… Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp chè trong hội đã sản xuất, chế biến và tiêu thụ được 4 nghìn tấn sản phẩm đạt doanh thu 100 tỷ đồng…
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản nêu ý kiến rằng tỉnh Yên Bái đã có Quy hoạch phát triển chế biến gỗ rừng trồng cũng như Đề án tái cơ cấu ngành chè vì vậy ngoài việc tăng cường quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được phê duyệt để cây chè và diện tích gỗ rừng trồng phát triển cân đối, bền vững; phù hợp với nhu cầu thị trường.
Một số doanh nghiệp nêu khó khăn trong vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất do hạn mức vay thấp, khó có thể đầu tư cho nhà xưởng, máy móc; cùng với đó các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với ngành chè để giữ vững thương hiệu chè Yên Bái; tăng cường xúc tiến đầu tư các mặt hàng nông lâm sản có thế mạnh của tỉnh đối với các thị trường nước ngoài. Trong đó, cần thiết phải cập nhật các những quy định thương mại mang tính chất đặc thù của từng vùng, từng quốc gia mà doanh nghiệp trong tỉnh đang hướng tới để các doanh nghiệp có thể chủ động mặt hàng, nguyên liệu cũng như yêu cầu của thị trường…
Một số doanh nghiệp cho rằng chính các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách liên kết, tương trợ giữa các doanh nghiệp với nhau trong việc tìm vùng nguyên liệu. Cùng với đó là nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm khi đó mới đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài tỉnh và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương và Đảng ủy Khối cơ quan, Doanh nghiệp tỉnh đã tiếp thu các ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp; đối với các kiến nghị về cơ chế, chính sách sẽ có kiến nghị đối với các cơ quan cấp trên để giải quyết…
Về phía sở Công Thương, trong năm 2020, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông lâm sản. Đặc biệt là sẽ tổ chức xúc tiến thươg mại theo các ngành hàng cụ thể, tạo ra cơ hội, liên kết giữa các doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: TTĐT YB