Nhiều thăng trầm
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 10 triệu lượt (tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2018); tổng thu từ khách du lịch đạt 401.000 tỷ đồng (tăng 8,67% so cùng kỳ năm 2018). Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.
Ðể du lịch Việt Nam có được mức tăng trưởng khá trong thời gian qua, có phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, có thể thấy rõ đến nay, công tác này chưa đạt được kết quả như mong đợi bởi nhiều lý do, như: thiếu kinh phí, chưa có được sự phối hợp tốt với các ngành, các địa phương; thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, chưa làm nổi bật được thương hiệu du lịch Việt Nam…
Để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịc,h vai trò của quảng bá, xúc tiến hết sức quan trọng |
Tại tọa đàm “Quảng bá du lịch – cần những bước đột phá” do Báo Nhân dân tổ chức ngày 6/8, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã có những đánh giá đan xen tích cực và hạn chế về bức tranh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam hiện nay. Trong đó, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam - cho hay, câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam đang gói gọn trong hai từ: “phấn khởi nhưng rất vất vả”. “Phấn khởi” là vì trong thời gian gần đây du lịch quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, doanh thu cũng như đóng góp vào GDP của ngành du lịch tăng. Tuy nhiên, “vất vả” vì hiện tại tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn thấp, con người còn yếu…
Hơn 30 năm gắn bó với ngành du lịch, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia TAB khá lạc quan cho rằng, xúc tiến, quảng bá về cơ bản đã có những bước tiến cần ghi nhận. Trước đây, chúng ta đi dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITB ở Berlin (Đức) hay hội chợ du lịch WTM ở London (Anh), gian hàng Việt Nam gần như chưa nổi bật và thiếu chuyên nghiệp, nhưng 2-3 năm gần đây, gian hàng đã gây ấn tượng tốt. Rõ ràng, đây là bước chuyển mình. Nếu chúng ta tiếp tục hướng này thì công tác quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ có hiệu quả hơn.
Xem công tác xúc tiến quảng bá điểm đến là tuyến đầu để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành HanoiTourist - ghi nhận, trong mỗi thời kỳ, quảng bá, xúc tiến du lịch có sự phát triển thăng trầm khác nhau, quy mô khác nhau, nhưng đã có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây. Tuy vậy, hoạt động này vẫn chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn.
Theo đó, qua nhiều năm phát triển, hình ảnh, nhận diện của du lịch Việt Nam chưa được rõ ràng. Nói đến du lịch là để khách hình dung ra một hình ảnh cụ thể, nhưng chúng ta chưa làm rõ ràng được. Mặt khác, công tác này triển khai chưa đồng bộ từ chiều dọc, đó là sự quản lý nhà nước về du lịch với địa phương, ở chiều ngang là giữa ngành du lịch với các ngành khác để có sức mạnh tổng thể; triển khai xúc tiến, quảng bá song song giữa sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch còn yếu.
Nút thắt kinh phí
Thực tế, sự thăng trầm của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hội tụ nhiều nguyên nhân, nhưng lâu nay yếu tố cản trở chính vẫn là kinh phí. Hàng năm, chỉ có 2 triệu USD kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch, so với các nước trong khu vực với hơn 100 triệu USD thì chỉ bằng 1/50. Ông Hoàng Nhân Chính - phân tích, 2 triệu USD là nguồn kinh phí quá hạn hẹp. Trong khi, muốn kéo được thêm du khách quốc tế đến để thu lợi 1.000 - 5.000 USD/khách ít nhất phải bỏ ra 1 USD để quảng bá. Vậy để thu hút khoảng 20 triệu khách quốc tế năm 2020, chúng ta phải có tối thiểu 20 triệu USD chỉ tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch với nguồn ngân sách gần 300 tỷ đồng và huy động từ nguồn lực khác, trong đó sẽ ưu tiên tập trung cho hoạt động xúc tiến, quảng bá. Quyết định này được ngành du lịch đón nhận một cách rất phẩn khởi, bởi cách đây 14 năm, chủ trương hình thành Quỹ đã có, nhưng do còn nhiều vướng mắc và hạn chế về cơ chế, nguồn lực tài chính, con người nên chưa thành lập được.
Tuy nhiên, ông Đinh Ngọc Đức - cho biết, trong số tiền 300 tỷ đồng này, Nhà nước chỉ bỏ vốn mồi mỗi năm 100 tỷ đồng. Và sau 3 năm, Quỹ sẽ có nguồn tiền khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, sau khi thành lập, Quỹ có các nguồn thu khác nhau như: nguồn thu từ visa (10% từ tổng thu visa); 5% nguồn thu từ các điểm đến và đặc biệt là khuyến khích việc xã hội hóa. “Chúng ta được cấp 300 tỷ đồng không có nghĩa là chúng ta được tiêu thoải mái, mà chúng ta phải bảo toàn 300 tỷ đồng Nhà nước cấp. Tuy nhiên, đó cũng là tiền đề tốt trong khi chúng ta còn thiếu nguồn lực”- ông Đức nói.
Những rào cản kinh phí, nhân lực, sản phẩm cần sớm được tháo gỡ để công tác quảng bá, xúc tiến có những đột phá mang tính chiến lược cho ngành du lịch Việt Nam |
Song song với kinh phí, du lịch Việt Nam cần có mô hình tổ chức quảng bá, xúc tiến riêng với chiến lược ngắn hạn, dài hạn là đề xuất của nhiều doanh nghiệp, bởi đây là mô hình được nhiều quốc gia áp dụng và thành công. Theo đó, Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có Hội đồng xúc tiến du lịch, tổ chức này đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng du lịch của các nước này. Do vậy, ông Phùng Quang Thắng kiến nghị Việt Nam cần sớm có cơ quan quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia riêng, trên cơ sở đó, tập hợp nguồn lực nhằm tạo đột phá cho công tác này.
Tiếp theo, là phải có cách quảng bá phù hợp với mỗi hoàn cảnh của đất nước, địa phương. Lấy ví dụ về Campuchia, ông Thắng dẫn chứng, dù kinh phí làm xúc tiến du lịch của Campuchia không nhiều, nhưng qua các hội chợ du lịch quốc tế, gian hàng của Campuchia luôn mang theo hình ảnh là đền Angkor để giới thiệu với thế giới. Từ chuyện thu hút đến đền Angkor, khách du lịch đến với khắp đất nước Campuchia ngày một tăng cao.
Tán thành trước đề xuất thành lập một cơ quan quản lý về xúc tiến du lịch quốc gia. Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính - cho rằng, nhiều ý kiến nêu nên thành lập Cục xúc tiến du lịch quốc gia nghĩa là chúng ta mới chỉ đi được một nửa con đường, bởi vì cơ quan này mới chỉ thay mặt Nhà nước để quản lý các quỹ chứ chưa mang được “hơi thở” của các doanh nghiệp. Vì đó, nên chăng là thành lập một Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia, với thành phần là cả cơ quan quản lý nhà nước và cả đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia để cùng có ý kiến, thậm chí là cùng đóng góp vào quỹ xúc tiến du lịch.