Ngày 12/4, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tổ chức tại tỉnh Lào Cai.
|
Lãnh đạo Bộ Công thương và đại biểu các tỉnh tham quan khu trưng bày giới thiệu sản phẩm của tỉnh Yên Bái. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của vùng gồm: Tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu những năm tới; cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của vùng; xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn; đưa Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu của vùng Tây Bắc; tiềm năng, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm nông lâm sản chủ lực của tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu về tiềm năng thế mạnh của tỉnh Yên Bái, đặc biệt là một số mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao.
Theo đó, hàng hoá xuất khẩu của tỉnh đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có khoảng trên 50 thị trường truyền thống, chủ yếu là các nước trong khu vực châu Á (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan …) chiếm khoảng trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Gần đây, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã bước đầu xâm nhập được vào các thị trường mới, như Mỹ và các nước thành viên EU, Trung đông…
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trước khó khăn, thách thức hiện nay về biến động kinh tế, chính trị, xã hội, cạnh tranh thương mại, yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng ngày càng cao, đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về sản xuất, chế biến các sản phẩm nông lâm sản góp phần thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Yên Bái đã đề xuất một số giải pháp như: Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm; tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng chủ lực. Phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, qua tâm đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại quốc tế, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh.
Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ logistics. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đồng thời phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; tăng cường liên kết vùng, nghiên cứu xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, trao đổi thông tin giữa các địa phương trong vùng trong việc phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ…
Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng tổ chức một số phiên tư vấn, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp Vùng trung du, miền núi phía Bắc với một số chuyên gia tư vấn, nhà nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài... Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Trung du và miền núi phía Bắc vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc… Thời gian qua, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các lợi thế trên, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất - nhập khẩu của đất nước. |
Nguồn: Báo Yên Bái