Sáng 17/5 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương đã tổ chức hội thảo khoa học trong nghiên cứu, hoàn thiện chính sách ngành Công Thương.
Hội thảo “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới” được tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2023. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì và điều hành.
Phát biểu tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương cho biết: Nhằm phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của nghiên cứu khoa học trong xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”.
|
TS. Nguyễn Văn Hội phát biểu tại Hội thảo |
“Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương hưởng ứng và tôn vinh các nhà khoa học đã và đang có những đóng góp trong nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại”- TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngảy 17/11/2022 tại Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Trong những năm vừa qua khoa học ngành Công Thương đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, kể từ sau Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành, nhiều công trình đề tài nghiên cứu khoa học của các đơn vị nghiên cứu đã phục vụ và đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập của ngành Công Thương nói chung và của nền kinh tế nói riêng, qua đó góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Đơn cử như tại Viện Nghiên cứu cơ khí, những năm qua Viện đã thực hiện nhiều đề tài, dự án KHCN quan trọng góp phần vào thành công chung của ngành cơ khí chế tạo như: Dự án KHCN nhiệt điện 600 MW, Dự án sản xuất lọc bụi công suất lớn, Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị khai thác và chế biến bô xít, Chương trình sản xuất nguyên vật liệu xây dựng; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo đồ gá hàn thân vỏ xe ô tô (JIG), điều này đã giúp nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam … Thành công của các nhiệm vụ KHCN không những đã đem lại nhiều công ăn việc làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước mà còn góp phần nâng cao tính tự lực, tự cường của các doanh nghiệp cơ khí trong nước trong một số dây chuyền thiết bị đồng bộ mà từ trước đến nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài. Góp phần giảm nhập siêu, nâng cao vị thế của ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Hay Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim, bên cạnh làm chủ công nghệ sản xuất thiếc 99,99% và là đơn vị sản xuất Thiếc (Sn) kim loại lớn nhất Viêt Nam hiện nay với sản lượng 800-1.000 tấn Sn/năm. Bên cạnh đó, những năm gần đây Viện Khoa học Công nghệ Mỏ- Luyện kim cũng đã mở rộng các đối tượng nghiên cứu sang luyện kim đen, khoáng sản phi kim và làm dịch vụ khoa học công nghệ cho ngành than. Điều này đã giúp Viện nâng cao khả năng tự chủ tài chính của Viện cũng như góp phần vào công nghiệp hóa- hiện đại hóa ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam.
|
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã phát biểu tại Hội thảo |
Còn tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, đơn vị đã nghiên cứu thành công công nghệ nuôi cấy phôi, giống dừa Sáp trong khuôn khổ Dự án phát triển sản xuất giống dừa, hằng năm cung cấp cho bà con nông dân trong cả nước hàng nghìn cây giống dừa Sáp nươi cấy phôi đặc ruột. Sản phẩm giống dừa Sáp từ nuôi cấy phôi của Viện có tỷ lệ quả đặc ruột trên buồng lên tới hơn 80% trong khi giống dừa Sáp ươm từ quả tỷ lệ chỉ đạt 15-20%, điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trồng dừa…
Hội thảo đã nhận được các tham luận, chia sẻ của các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tham luận về những đóng góp của hoạt động nghiên cứu khoa học trong xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương thể hiện ở các khía cạnh:
Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu khoa học giúp ngành Công Thương phát hiện ra các vấn đề chính sách và đề xuất chủ trương chính sách mới cho sự phát triển của ngành, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại. hóa là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo lợi thế cạnh tranh; bảo đảm tự chủ kinh tế quốc gia thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Thứ hai, nghiên cứu khoa học giúp thu thập, phân tích và xử lý thông tin trong quá trình hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tự.
Thứ ba, nghiên cứu khoa học giúp nhà hoạch định chính sách của ngành Công Thương đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề một cách kịp thời và có hiệu quả, cơ cấu lại công nghiệp và thương mại, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu và hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, nghiên cứu khoa học trong hoạch định chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại một cách dân chủ, từ đó, định hưởng và thiết kế các hành động chính sách để đạt mục tiêu giải quyết vấn đề chính sách trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Thứ năm, nghiên cứu khoa học giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá khách quan tác động chính sách, xây dựng nền công nghiệp và thương mại quốc gia vững mạnh.
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới, các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có những ý kiến đề xuất, thống nhất:
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xây dựng những cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại đủ mạnh và khả thi.
Hai là, đổi mới nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương theo hướng cụ thể, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế.
Ba là, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp và thương mại nhanh, bền vững và bao trùm.
Bốn là, thúc đẩy nghiên cứu khoa học góp phần chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng các Viện, Trường nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương.
Sáu là, nghiên cứu các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lôi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản.
Tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đánh giá cao các tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại hội thảo, điều này cho thấy công tác nghiên cứu khoa học công nghệ đã bám sát với các hoạt động của ngành Công Thương. Các chuyên gia đã có đề xuất, đưa ra giải pháp, phân tích những tồn tại, khó khăn và kiến nghị cụ thể để làm sao hoàn thiện hơn nữa các chính sách phát triển ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: Báo Công Thương