Bạn đang ở đây

Ngành Công Thương Đắk Nông: Về đích các mục tiêu nửa đầu năm 2019

26/06/2019 08:29:40

Các ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá

Thống kê của Sở Công Thương Đắk Nông cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 ước tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,54%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 11,13%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,73%.

nganh cong thuong dak nong ve dich cac muc tieu nua dau nam 2019
Xuất khẩu sản phẩm Alumin tăng 13,2% so với cùng kỳ

Phần lớn các sản phẩm công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh như: đá xây dựng các loại; gỗ cưa xẻ xây dựng cơ bản; ván MDF; sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế... Riêng với chỉ tiêu về điện, hiện tỷ lệ số thôn, buôn có lưới điện quốc gia đạt 99,5%; tỷ lệ số hộ sử dụng điện đạt 97,8%.

Xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp là một trong những hoạt động trọng tâm, đến nay, tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 2 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 327,5 ha. Trong đó, KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút với diện tích 179,5 ha, thu hút 37 dự án đầu tư, số vốn đăng ký đầu tư là 2.378,9 tỷ đồng, vốn thực hiện là 2.092,5 tỷ đồng. Hiện đang có 31 dự án đang hoạt động tại KCN, 3 dự án đăng ký đầu tư, 3 dự án đang xây dựng cơ bản, tỷ lệ lấp đầy KCN là 89,26%.

Bên cạnh đó, KCN Nhân Cơ tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp có diện tích quy hoạch 148 ha, đã thi công xây dựng cơ bản và hoàn thành kết cấu hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào khu công nghiệp, thu hút được 1 dự án với số vốn đăng ký 15.480 tỷ đồng, vốn thực hiện 1.900 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 86,5%.

Về cụm công nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích là 196,63 ha. Trong đó có 2 CCN cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (cụm công nghiệp BMC và cụm công nghiệp Thuận An); 2 CCN (Quảng Tâm, Krông Nô) đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, CCN Thuận An đã thu hút 16 dự án đầu tư; tổng vốn thực hiện 156,87 tỷ đồng; diện tích đất đã cho các doanh nghiệp thuê lại: 12,85 ha. Cụm công nghiệp BMC, huyện Đắk Glong đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng, hiện chưa có doanh nghiệp vào thực hiện đầu tư.

Hàng hóa dồi dào, thị trường ổn định

Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019 tương đối ổn định, nhu cầu hàng hóa của người dân được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cung ứng kịp thời, đầy đủ về chủng loại, mẫu mã và chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân trong mọi thời điểm, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7.262 tỷ đồng, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt 45% kế hoạch (16.105 tỷ đồng). Trong đó thương nghiệp ước đạt 5.733 tỷ đồng, tăng 8,52%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 37,97%; du lịch ước đạt 0,65 tỷ đồng, tăng 116,67%; dịch vụ ước đạt 398 tỷ đồng, tăng 51,1%.

Nhằm phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 45 chợ đang hoạt động được phân bố trên 41 xã, phường và thị trấn (còn lại 30 xã, phường chưa có chợ). Trong đó gồm trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp; 1 siêu thị hạng III tại thị xã Gia Nghĩa; 1 trung tâm phức hợp tại huyện Cư Jút... Tỉnh cũng có 247 cửa hàng xăng dầu và 189 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đang hoạt động, được phân bố rộng khắp, đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn cho sản xuất và tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Riêng về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 524 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 40,36% kế hoạch (kế hoạch 1.298 triệu USD), nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng điều nhân, tiêu đen chiếm giá trị lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm cả về sản lượng và giá trị. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao là ván MDF đạt 3,8 triệu USD, tăng 65,22% so với năm 2018; sản phẩm Alumin đạt 144,9 triệu USD, tăng 13,2% so với năm 2018...

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 110,6 triệu USD, tăng 39,33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50,34% kế hoạch (kế hoạch 220 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước như điều nguyên liệu; máy móc thiết bị, phụ tùng...

Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Đắk Nông đặt mục tiêu tiếp tục cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu cả năm tăng 16,02% so với cùng kỳ năm trước; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bằng 100% kế hoạch năm; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương kết quả năm ngoái.