Những ngày qua ở TPHCM xuất hiện hiện tượng sương mù làm giảm tầm nhìn. Sương mù dày đặc có nhiều nguyên nhân như do cháy rừng ở Indonesia, mưa tạo ra độ ẩm cao và khói bụi từ phương tiện giao thông và xây dựng. Theo các chuyên gia, hiện tượng này sẽ gây hại cho sức khỏe con người vì chất lượng không khí đang rất xấu.
Chỉ số AIQ đo được lúc 16h ngày 23/9 cao nhất ở Thảo Điền - Q2 là 156, thứ nhì là trung tâm Quận 1 với chỉ số 153. |
Theo ghi nhận của phóng viên, mấy ngày hôm nay vào các buổi sáng sớm cho đến gần trưa thì hầu hết các tuyến đường và các toà nhà cao tầng ở TPHCM đều bị bao phủ bởi lớp sương mù trắng đục.
Anh Nguyễn Võ Hoàng Long đang buôn bán trên đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh cho biết, sương mù làm giảm tầm nhìn mỗi khi lưu thông trên đường: "Hiện tượng này có từ tuần trước. Mấy hôm nay mưa suốt nên tôi nghĩ do độ ẩm nhiều tạo nên hiện tượng sương mù".
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, sương mù xuất hiện ở TPHCM những ngày qua nguyên nhân do khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên xuất hiện mưa nhiều nên nguồn ẩm và hơi nước cao tạo nên.
Việc sương mù xuất hiện dày đặc do quá trình đô thị hóa, dân cư quá đông, khói bụi từ phương tiện giao thông, nhà máy, công trình xây dựng... xả ra môi trường, hình thành những chất lở lửng kết hợp với hơi nước nên gây ra hiện tượng sương mù dày đặc. Song song đó, khói bụi cháy rừng ở Indonesia theo gió thổi qua cũng phần nào làm tăng thêm hiện tượng này ở TPHCM.
Theo kết quả đo chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) ở TPHCM thì thời gian qua luôn ở mức cao từ 150 – 180. Khu vực có chỉ số AQI cao nhất là Thảo Điền (Quận 2) với chỉ số đo được lúc 16 giờ hôm nay là 156, thứ nhì là trung tâm Quận 1 với chỉ số 153… trong khi chỉ cần chỉ số AQI trên 100 đã bắt đầu nguy hiểm.
Bà Lê Thị Xuân Lan nói: "Hiện nay dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chính gây mưa đang suy yếu nên thời tiết miền Nam quay lại trạng thái sáng nắng chiều mưa. Mưa có xu hướng giảm nhưng không phải khô ráo mà vẫn mưa nên độ ẩm không khí cao. Còn ô nhiễm ngày nào cũng có chính vì vậy sắp tới sương mù vẫn còn nhưng mức độ ô nhiễm giảm".
PGS-TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM còn cho rằng, trước đây thành phố cũng thường ô nhiễm nặng như thế này nhưng chủ yếu là vào ngày trong tuần khi mà các hoạt động giao thông, sản xuất nhộn nhịp. Nhưng hai ngày cuối tuần vừa qua thì tình hình ô nhiễm đã đạt ở mức rất cao. Hiện trung tâm đã chạy mô phỏng để xác định nguyên nhân.
PGS - TS Hồ Quốc Bằng nói: "Chúng tôi cũng thử nghiên cứu sơ bộ để xem nguyên nhân ô nhiễm từ đâu. Sau khi dùng mô hình mô phỏng thử thì nhận thấy có bụi bay từ khu vực cháy rừng ở Indonesia sang khu vực phía Nam Việt Nam trong đó có TPHCM, chính vì vậy không riêng gì TPHCM mà các tỉnh ở ĐBSCL cũng có ô nhiễm".
Cũng theo ông Bằng, bắt đầu từ hôm nay thời tiết tại TPHCM đã khá lên, có nắng và ít mưa, thêm nữa luồng áp cao từ phía Bắc vào đã đi qua TP và cháy rừng ở Indonesia đã giảm, hướng gió đã đổi nên hiện tượng ô nhiễm không khí, sương mù sẽ giảm.
Các chuyên gia khẳng định rằng, chất lượng không khí tại TPHCM đang rất xấu; điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bởi, khi con người hít thở, các chất ô nhiễm như bụi mịn, hóa chất từ nhà máy… sẽ theo đường hô hấp, vào tận cuống phổi, nội tạng… nên dẫn đến nguy cơ gia tăng đột biến bệnh về hô hấp.
Theo Tiến sĩ Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của TP đối tượng dễ bị tác động nhất là người già và trẻ em. Với người bị bệnh mãn tính như hen suyễn, hô hấp, tim mạch cần phải vô cùng thận trọng: "Người dân nên hạn chế ra đường, các hoạt động thể lực ra ngoài trời thì cũng phải hạn chế, đặc biệt là lúc cao điểm giao thông, Nếu bắt buộc có các hoạt động bên ngoài thì phải trang bị khẩu trang có chất lượng tốt, đảm bảo lớp lọc".