Thực hiện Kế hoạch số 57/KH-BCĐ ngày 28/02/2023 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước về kiểm tra công tác (CCHC) năm 2023, Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch tự kiểm tra công tác CCHC năm 2023 như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của Sở Công Thương năm 2023. Qua kiểm tra đánh giá những việc đã thực hiện được và những tồn tại từ đó có biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác CCHC nhà nước của Sở.
2. Việc kiểm tra phải gắn với công tác nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Trong đó, trọng tâm là các lĩnh vực: xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, công tác chuyển đổi số; việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, các quy định về chế độ công vụ; công tác cải cách thủ tục hành chính.
3. Quá trình kiểm tra bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực báo cáo Ban chỉ đạo CCHC tỉnh đúng nội dung và thời gian quy định.
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
Việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch CCHC năm 2023, trong đó kiểm tra trọng tâm một số nội dung sau:
1. Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC
- Ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC.
- Xây dựng và ban hành kế hoạch CCHC năm 2023, kết quả triển khai, mức độ đạt được trong thực hiện các nội dung của kế hoạch.
- Việc tổ chức chỉ đạo điều hành CCHC: Ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, tổ chức hội nghị giao ban về công tác CCHC.
- Những sáng kiến trong triển khai CCHC.
- Kiểm tra CCHC: Xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra CCHC, xử lý các vấn đề đặt ra sau khi tiến hành kiểm tra.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung CCHC: Hình thức tuyên truyền, phổ biến về nội dung CCHC của đơn vị.
- Việc thực hiện báo cáo cải cách hành chính theo quy định.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL
- Mức độ thực hiện công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
- Rà soát hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Sở Công Thương.
- Tổ chức triển khai văn bản QPPL và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
3. Cải cách thủ tục hành chính
- Văn bản chỉ đạo điều hành kế hoạch của cơ quan về cải cách thủ tục hành chính.
- Việc công bố thủ tục hành chính của Sở.
- Việc công khai các thủ tục hành chính.
- Việc rà soát đánh giá thủ tục hành chính.
- Việc thực hiện công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức cá nhân về quy định thủ tục hành chính của Sở.
- Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp, vận hành, khai thác hiệu quả và tăng tỷ lệ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
- Thống kê, rà soát các thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 31/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Các nội dung khác trong Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính của Sở Công Thương.
4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc của các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố theo Nghị định số 107, 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ.
5. Cải cách chế độ công vụ
-Thực hiện các quy định về quản lý công chức, viên chức:
+ Việc quản lý và sử dụng biên chế, việc thực hiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức (Tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị).
+ Tình hình triển khai Đề án vị trí việc làm.
+ Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, các quy định về văn hóa công sở; việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng:
+ Việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của tỉnh, của Sở.
+ Kết quả cử công chức tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng hàng năm được giao trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của ngành.
+ Đánh giá nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng.
6. Cải cách tài chính công
- Tiếp tục thực hiện các quy định của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tiếp tục chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế nhà nước, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
- Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (nếu có).
- Thực hiện quản lý tài sản công theo quy định của Luật Quản lý tài sản công năm 2017 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017.
7. Công tác Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số
Việc thực hiện chuyển đổi số theo chương trình của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành tại cơ quan, đơn vị.
III. PHƯƠNG PHÁP, THỜI GIAN KIỂM TRA
1. Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra trực tiếp 100% các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở.
2. Thời gian kiểm tra:
- Yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở theo chức năng nhiệm vụ được giao tự kiểm tra các nội dung và báo cáo kết quả tự kiểm tra công tác CCHC năm 2023 về phòng Văn phòng Sở tổng hợp, xây dựng báo cáo chung của Sở trước ngày 05/9/2023 theo các nội dung được phân công nhiệm vụ do đơn vị mình phụ trách.
- Văn phòng Sở là đầu mối, trực tiếp và trao đổi, hướng dẫn những vấn đề liên quan đến nội dung theo kế hoạch.
- Thông qua Biên bản kiểm tra tại hội nghị; kết thúc đợt kiểm tra ban hành Thông báo kết luận kiểm tra.
3. Thời điểm kiểm tra: Tính từ 01/01/2023 đến hết 30/8/2023.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các phòng, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ vào các nội dung phân công và thời gian hoàn hành để triển khai thực hiện.
2. Giao Văn phòng Sở theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch, tổng hợp kết quả thực hiện tự kiểm tra cải cách hành chính của từng phòng, đơn vị và tham mưu báo cáo cấp trên theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch tự kiểm tra công tác cải cách hành chính nhà nước năm 2023 của Sở Công Thương. Đề nghị các phòng, đơn vị trực thuộc Sở nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nguồn: Văn Phòng Sở