Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ông Phạm Tuấn Long thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 31/12.
Thông tin về kết quả 3 năm triển khai thí điểm và công bố chính thức không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận theo Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 24/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long khẳng định, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Thủ đô; tạo không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi hội nhập văn hóa thế giới và các vùng miền; nơi giao lưu, điểm hẹn thú vị của mọi người dân…
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (ngoài cùng bên trái) thông tin kết quả 3 năm triển khai thí điểm và công bố chính thức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận |
Việc xây dựng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô. Đồng thời, phát huy hiệu quả các giá trị di tích văn hóa, cảnh quan hồ Hoàn Kiếm; kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ du lịch.
3 năm qua, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã tổ chức 410 sự kiện văn hóa quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, 26 đại sức quán và 3 tổ chức quốc tế. Lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia hoạt động tại không gian phố đi bộ rất đông. Riêng lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh (năm 2016 là 1.361.000 lượt người, năm 2019 là 2.350.000 lượt người).
Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường được duy trì tốt hơn; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch từng bước đi vào ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo tổ chức, duy trì 23 chốt trực an ninh bên trong và bên ngoài tại các điểm ra vào không gian đi bộ, bảo đảm theo đúng phương án; duy trì 89 điểm trông giữ phương tiện giao thông xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (với tổng diện tích là 23.190 m2); phát hành trên 3.000 thẻ ra vào cho xe máy, xe đạp của các hộ dân, cơ quan trong khu vực và phù hiệu cho xe ô tô của các cơ quan trong không gian đi bộ được ra vào khi làm nhiệm vụ.
Quận cũng phối hợp với Sở Xây dựng triển khai đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị như: cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang khu vực quanh hồ; duy trì vườn hoa, thảm cỏ cây xanh trang trí quanh hồ và dải phân cách đường đôi phố Lê Thái Tổ; lắp đặt bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh đường dạo hồ Hoàn Hoàn Kiếm, tại các di tích và công trình kiến trúc, các điểm biểu diễn văn nghệ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Đó là một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực chốt ra vào không gian đi bộ quá tải; một số nút giao thông giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ; tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, nơi tổ chức trò chơi trẻ em chưa được tổ chức quy củ; các hoạt động dịch vụ, thương mại chưa thực sự đặc sắc, hấp dẫn…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo khắc phục ngay các tồn tại, Ban Chỉ đạo thành phố sẽ khẩn trương triển khai dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu thực hiện các dự án thành phần phụ cận như: khu vực nhà hàng Thủy Tạ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối đền Ngọc Sơn – đền Bà Kiệu, vườn hoa Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong, đền Vua Lê, các trục đường quanh hồ Hoàn Kiếm… Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử nơi công cộng; làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…. Ban Chỉ đạo Thành phố cũng sẽ triển khai ngay việc lập dự án giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân và tổ chức trong khuôn viên di tích đền Bà Kiệu.
Nguồn: báo Công thương