Chiều 21/5, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Công Thương kiểm tra công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.
Ngành công nghiệp và dịch vụ có bước phát triển khá sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TU và Nghị quyết 30-NQ/TU
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU, công nghiệp Yên Bái tiếp tục duy trì ổn định và có bước phát triển. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước đạt 14.210 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch đề ra, cụ thể: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 9,12% so với cùng kỳ năm 2020, đây là chỉ số đảm bảo theo Nghị quyết (Nghị quyết tăng bình quân 9%/năm). Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng.
Trong năm 2021, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng vào khu công nghiệp Trấn Yên, với diện tích 339ha; các cụm công nghiệp Bảo Hưng, Minh Quân, Phú Thịnh 1 và Phú Thịnh 2 với diện tích 75ha/cụm; thu hút được 26 dự án đầu tư vào sản xuất công nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 5.875 tỷ đồng. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, đã cấp mới 10 dự án công nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 1.600 tỷ đồng.
Đồng chí Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và Nghị quyết 30 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Thực hiện Nghị quyết số 30 Tỉnh ủy về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, hoạt động dịch vụ thương mại của tỉnh bước đầu đạt được kết quả tích cực và có sự phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh năm 2021 là 21.176 tỷ đồng tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua hạ tầng dịch vụ thương mại ước đạt 6%. Quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 5.605 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 92,96% so với kế hoạch, bằng 23,85% so với kế hoạch cả năm 2022.
Giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 226,3 triệu USD, tăng 3% so với kế hoạch, tăng 36% so với cùng kỳ; Quý I/2022 giá trị xuất khẩu đạt 62,2 triệu USD, đạt 100% kịch bản, bằng 22% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TU và Nghị quyết 30-NQ/TU
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động, cố gắng của Sở Công Thương trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và Nghị quyết 30 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Trên cơ sở phân tích những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thời gian tới Sở Công Thương cần tiếp tục phổ biến quán triệt, tham mưu thực hiện thật tốt các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch đã được ban hành, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát lãnh đạo các đơn vị; chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở Công Thương; tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Công thương; thực hiện giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm đến từng cá nhân, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, có phân công công việc cụ thể rõ ràng, gắn trách nhiệm cá nhân với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết đề ra; xây dựng tiến độ, nội dung kết quả công việc cần triển khai thực hiện, trong đó có kiểm điểm đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý. Cùng với đó hết sức chú trọng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức ngành Công Thương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.
Ngành Công Thương cần nghiên cứu điều chỉnh để tổ chức thực hiện thật tốt các giải pháp đã đề ra trong thu hút đầu tư; đặc biệt thu hút các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án sản xuất các sản phẩm chủ lực như nông, lâm sản và khoáng sản; nâng cao giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm theo đúng mục tiêu; tăng cường thu hút nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trong đó phải xây dựng tiến độ, kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai công tác thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó Sở Công Thương cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống kết cấu các hạ tầng trung tâm thương mại; thực hiện tốt cải cách hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành Công Thương.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị, địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá các dự án thuộc ngành quản lý, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường đầu tư. Rà soát, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp các Nghị quyết để có kế hoạch triển khai cụ thể; phối hợp với các địa phương, các ngành đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thị trường trong và ngoài nước...
Nguồn: Cổng TTĐT