Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2001 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011).
Sau gần 20 năm thực hiện, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập khung khổ pháp lý cao cho hoạt động của thị trường bảo hiểm, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể tham gia quan hệ kinh doanh bảo hiểm; đồng thời tạo lập các quy định phù hợp hơn, từng bước tiếp cận với luật pháp, thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là đáp ứng được lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam có khả năng hội nhập thị trường tài chính quốc tế, góp phần phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển thị trường trong giai đoạn mới, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực mở rộng hơn nữa thị trường bảo hiểm, tăng độ bao phủ của bảo hiểm và tăng tính an toàn, bền vững trong sự phát triển của thị trường.
Để thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về mở rộng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường bảo hiểm, trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, hội nhập quốc tế và để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần thiết phải xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm mới trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành.
Bổ sung nhiều quy định mới
Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp về chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả.
Cụ thể, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tính toán mức vốn tối thiểu tương ứng với các rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết, vì: Việc xác định vốn tối thiểu tương ứng với mỗi loại rủi ro thường được thực hiện bằng công thức chung là số tiền chịu rủi ro nhân hệ số rủi ro hoặc tính toán giá trị tài sản, trách nhiệm bảo hiểm theo cơ sở do cơ quan quản lý quy định để làm căn cứ so sánh với vốn sẵn có. Việc xác định hệ số rủi ro tùy thuộc vào kết quả dữ liệu tổng hợp, phân tích toàn thị trường, cần có thời gian để kiểm nghiệm và thống nhất chung giữa tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, giao Chính phủ hướng dẫn công thức tính toán vốn tối thiểu kèm theo lộ trình thực hiện áp dụng là 03 năm kể từ ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực thi hành. Lộ trình áp dụng trên là phù hợp với kinh nghiệm các nước đã thực hiện và đảm bảo thời gian cho các thử nghiệm, tính toán, tổng hợp của cả thị trường.
Yêu cầu doanh nghiệp phải duy trì vốn hiện có cao hơn so với vốn tối thiểu tương ứng với rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, vốn hiện có của doanh nghiệp được xác định theo hướng dẫn của Chính phủ. Vốn sẵn có là nguồn vốn cơ bản của doanh nghiệp để đảm bảo cho các rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm cam kết với khách hàng tham gia bảo hiểm. Vốn sẵn có được xác định chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, có điều chỉnh bổ sung hoặc khấu trừ một số khoản mục tùy theo mức độ rủi ro hoặc chắc chắn của khoản mục.
Bổ sung quy định về các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý dựa trên kết quả tính toán về yêu cầu vốn và vốn tối thiểu trên cơ sở rủi ro. Các biện pháp can thiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường và đảm bảo tính cảnh bảo sớm. Đồng thời, sửa đổi các quy định về khả năng thanh toán tại mục 4, chương III, Luật KDBH. Bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản trị tài chính.Chuẩn hóa và phát triển kênh phân phối
Dự thảo bổ sung quy định thành lập môi giới cá nhân; bổ sung quy định riêng về điều kiện hoạt động, tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn một số chức danh theo hướng tổ chức hoạt động đại lý phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý do Bộ Tài chính cấp, bao gồm đại lý là các tổ chức tín dụng, các tổ chức chuyên hoạt động đại lý bảo hiểm (general agents), các tổ chức có 1 trong các nội dung hoạt động là đại lý bảo hiểm (bưu điện, siêu thị, gara ô tô, cây xăng,...); Bổ sung các quy định cấp và thu hồi giấy chứng nhận hoạt động đại lý, quy định về doanh thu, chi phí của đại lý bảo hiểm tổ chức.
Bổ sung quy định về thời hạn chứng chỉ đại lý bảo hiểm (dự kiến là 5 năm) và giao Bộ Tài chính hoặc một đơn vị được Bộ Tài chính ủy quyền thống nhất quản lý việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm...
Nguồn: báo Công thương