Sáng ngày 6/8, tại Vĩnh Phúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 và định hướng triển khai giai đoạn 2018-2020”.
Đẩy mạnh khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới |
Đã triển khai được 69 đề tài dự án
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường - cho hay, để gắn kết chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đáp ứng kịp thời và “đi trước một bước” so với thực tiễn xây dựng NTM ngày càng đa dạng, toàn diện của các địa phương, đồng thời, tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp..., ngày 5/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
Sau 5 năm triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các Bộ, ngành và địa phương với gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ. Từ đó đã lựa chọn được 69 đề tài, dự án để thực hiện, bám sát 5 mục tiêu và 6 nội dung cơ bản, phù hợp với nhu cầu của xây dựng NTM; triển khai xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi. Chương trình cũng triển khai đào tạo, tập huấn hơn 11 nghìn người đã trực tiếp được tiếp nhận kiến thức về quản lý sản xuất theo chuỗi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, chương trình đã thu được các kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tế; cả về khoa học xã hội và KHCN; các giải pháp có tính liên ngành và các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất; thu hút đông đảo lực lượng khoa học, công nghệ cả nước, có nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã tham gia; huy động được cả kinh phí nhà nước và ngoài nhà nước;…
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, đóng góp kinh phí đối ứng tới 43% tổng kinh phí thực hiện. Các doanh nghiệp, cùng các hợp tác xã và nông dân tham gia trong chương trình đã thiết lập được cầu nối vững chắc giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, bước đầu đảm bảo công bằng thương mại cho nông dân. Chính quyền các địa phương cũng tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ngay trong quá trình triển khai thực hiện….
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình còn có những hạn chế như chưa đi sâu vào các vấn đề lớn, những rào cản cần tháo gỡ, những động lực cần khơi thông để thúc đẩy xây dựng NTM nhanh và bền vững chưa được nghiên cứu thấu đáo. Nhiều đề tài còn tản mạn, chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm, cấp bách để xây dựng NTM, mặt khác quá trình triển khai thực hiện chương trình còn chậm; việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, nhân rộng các mô hình dự án còn hạn chế;…
Khoa học công nghệ cần tiếp tục vào cuộc
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang triển khai có hiệu quả, quá trình xây dựng NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, đặt ra rất những vấn đề cần giải quyết trong giai đoạn tới rất khó khăn và phức tạp, trong đó có những vấn đề rất cơ bản, đòi hỏi khoa học và công nghệ cần tiếp tục vào cuộc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xây dựng NTM.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới để tham mưu giúp Ban Chỉ đạo định hình mô hình xây dựng NTM sau 2020 ở nước ta. |
Nhất trí với mục tiêu, giải pháp trọng tâm của Bộ NN&PTNT và Ban Chủ nhiệm Chương trình đã đặt ra trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, nội dung triển khai Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM vừa phải tập trung vào những vấn đề lớn bằng các công trình nghiên cứu cả về cơ sở lý luận, thực tiễn, giải pháp khoa học, công nghệ và triển khai các mô hình ứng dụng; vừa phải linh hoạt, đầu tư cho một số chủ đề cấp thiết mới theo các yêu cầu mới, trong đó cần bám sát khung mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và chỉ đạo của Trung ương, nhu cầu thực tế từ các địa phương. Cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm….
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện chương trình. Các quy trình cần được hoàn thiện để đẩy nhanh tiến độ tuyển chọn, giao nhiệm vụ phù hợp với đặc thù của chương trình, nhất là đối với các nhiệm vụ đột xuất, theo đặt hàng của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG, các Bộ ngành và địa phương. Lưu ý vào các nội dung xây dựng NTM kiểu mẫu…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chương trình KHCN trong giai đoạn tới cần có những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Đề án phát triển 1.500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, cũng như cho các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được đề ra….
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:Phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 để tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2, trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ gắn với những vấn đề cấp thiết của thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi. Theo đó, ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn. Đối với các địa phương cần chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng NTM để đề xuất đưa vào Chương trình KHCN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án để triển khai thực hiện trên địa bàn đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng định hướng của chương trình… Nguồn: Báo Công thương |