Năm 2020, Ngành Công Thương Yên Bái đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật trong năm. Thành công đó sẽ tạo tiền đề cho Yên Bái thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Năm 2020, Ngành Công Thương Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương và của tỉnh.
Năm 2020, sản xuất công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 ước đạt gần 12.000 tỷ đồng, bằng 91,3% so với kế hoạch năm, tăng 8,17% so với cùng kỳ năm 2019; chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8,09% so với cùng kỳ.
Ngành đã hoàn thành hỗ trợ cho 25 doanh nghiệp với 23 đề án khuyến công, tổng kinh phí thực hiện là 5,15 tỷ đồng (trong đó khuyến công quốc gia với 05 đề án với kinh phí là 2,15 tỷ đồng, khuyến công địa phương là 18 đề án với kinh phí 3 tỷ đồng); qua đó đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thêm máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho lao động.
Các chương trình khuyến công đã góp phần thúc đẩy sản xuất trong các doanh nghiệp.
Đặc biệt 9 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, nhằm bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, sở Công Thương đã chủ động xây dựng phương án, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó với diễn biến thị trường; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến. Ngành cũng đã đưa ra nhiều kịch bản ứng phó với những cấp độ khác nhau của dịch bệnh bảo đảm cung ứng cho người dân những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng cần cho phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đăng tải công khai các điểm bán hàng bình ổn giá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Công Thương đã tham gia đoàn công tác liên ngành kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án chậm tiến độ, tăng cường quản lý kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị nghiêm ngặt, quản lý hoạt động thủy điện, quản lý kinh doanh điện, quản lý an toàn thực phẩm, quản lý hoạt động hóa chất, quản lý khai thác chế biến khoáng sản. Đặc biệt, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành các địa phương tăng cường công tác nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của các doanh nghiệp đơn vị trong ngành, hướng dẫn các thủ tục để tiếp cận các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ cho người lao động, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Nhờ đó, mặc dù các chỉ tiêu về thương mại có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên đã dần phục hồi và duy trì mức tăng trưởng dương trong 3 tháng cuối năm. Tính chung cả năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt trên 18.700 tỷ đồng, bằng 91,4% so với kế hoạch, tăng 4,61% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 166 triệu USD, bằng 78,2% kế hoạch năm.
Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Yên Bái và Thương vụ Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài
Trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thị trường, thêm cơ hội tiêu thụ hàng hóa nhờ các giải pháp xúc tiến thương mại (XTTM) trực tuyến. Trong năm, Sở Công Thương đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Yên Bái và Thương vụ Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm kiếm đầu ra cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Có thể nói, trong bối cảnh thương mại gặp khó khăn lớn do dịch bệnh, các sự kiện XTTM trực tuyến đã giúp doanh nghiệp được kết nối với nhiều thị trường, hiểu hơn về nhu cầu thị trường cũng như quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu của một số sản phẩm chủ lực tại thị trường quốc tế. Từ đó, giúp doanh nghiệp có kế hoạch định hướng đầu tư theo chiều sâu, chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các thị trường khó tính. Cùng với hoạt động hội nghị trực tuyến, Sở Công Thương Yên Bái đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đăng tải, quảng bá thông tin, hình ảnh sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh xây dựng thương hiệu trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền về sản phẩm thế mạnh thông qua kênh thông tin đại chúng.
Năm 2021, Ngành Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp; tập trung, ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại; khuyến khích phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân; xúc tiến, thu hút đầu tư có hiệu quả các dự án công nghiệp quy mô lớn, các dự án chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao. Cùng với đó hoàn thành xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp... Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 đạt 14.200 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 21.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 220 triệu USD...
Nguồn: Cổng TTĐT