Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2018, sở đã cấp 1.326 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở kinh doanh thực phẩm; cấp 229 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm cho 5.700/7.315 người đề nghị xác nhận kiến thức ATTP. Đồng thời, tiếp nhận hơn 9.000 hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của 1.385 lượt doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. UBND các quận, huyện, thị xã đã xác nhận kiến thức về ATTP cho 20.267/21.416 người kinh doanh trong chợ, đạt tỷ lệ 94,6%; ký cam kết bảo đảm ATTP cho 19.982/21.044 cơ sở kinh doanh trong chợ, đạt tỷ lệ 95%.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm ATTP |
Trong năm qua, sở đã triển khai có hiệu quả "Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội", tạo tiền đề nhân rộng cho các nhóm sản phẩm khác. Đến nay trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây. 100% cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP; 100% cửa hàng được cấp đăng ký kinh doanh; 3.004/3.004 người đã thực hiện khám sức khỏe, được xác nhận kiến thức về ATTP... Bên cạnh đó, sở đã xây dựng được tổng số 33 tuyến phố trên địa bàn 12 quận không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Nhằm đẩy mạnh công tác ATTP trong năm 2019, Sở Công Thương vừa ban hành Kế hoạch số 02/KH-SCT, đặt mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo chất lượng ATTP. Theo đó, nâng cao nhận thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về ATTP trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng ATTP các mặt hàng thực phẩm sản xuất, kinh doanh thuộc quản lý của ngành Công Thương; xử lý kịp thời những vi phạm về ATTP trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Phấn đấu 100% người quản lý, 82% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của ngành Công Thương có kiến thức thực hành đúng về ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; 95% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc diện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP...
Để thực hiện tốt mục tiêu, sở sẽ đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về hoạt động ATTP, các vi phạm về ATTP trên các phương tiện truyền thông. Tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước và giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn…
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận và nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm…
Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu năm 2019, 100% thông tin phản ánh về mất ATTP rõ địa chỉ trên địa bàn được kiểm tra đột xuất, xác minh, xử lý thông tin. Nguồn: báo Công thương |