Bạn đang ở đây

Cần một thị trường cho đất nông nghiệp

06/11/2018 09:38:10

Hơn 70% đất sản xuất nông nghiệp có diện tích nhỏ hơn 0,5ha

Chia sẻ tại Hội thảo Tham vấn các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) diễn ra sáng ngày 30/10, bà Trần Thị Thanh Nhàn - Chuyên gia Viện IPSARD – cho biết: Hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha. Điều này khác biệt khá lớn so với các nước trong khu vực, khi từ năm 2012, Thái Lan với 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô hơn 22ha. Tại Trung Quốc, từ năm 2013, 8,82% diện tích có quy mô hơn 3 ha/mảnh. Cùng với đất đai manh mún, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra chậm. Thống kê không sát thực tế. Vấn đề đất nông lâm trường chưa giải quyết triệt để. Điều này cản trở không ít đến sự phát triển của thị trường đất đai.

Phân tích kỹ hơn về thị trường đất đai nông nghiệp, bà Nhàn cho hay, chỉ nói riêng về thị trường chuyển quyền sử dụng đất được diễn ra dưới 3 hình thức: Nông dân với nông dân diễn ra khá trầm lắng. Đối với giao dịch chuyển quyền sử dụng đất giữa nông dân và DN, ở giao dịch này gặp khó khăn khi khung giá đất không phù hợp giá thị trường. Về thị trường chuyển quyền sử dụng đất bằng hình thức góp vốn, thực tế không phổ biến.

Đối với thị trường cho thuê quyền sử dụng đất, ở hình thức giao dịch nông dân và nông dân chủ yếu là thỏa thuận bằng miệng. Dưới hình thức DN thuê đất, hiện đã phổ biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, do việc nếu DN thuê trực tiếp đất của dân sẽ rất khó khăn do chi phí giao dịch cao, rủi ro cho cả 2 bên. Còn nếu DN thuê đất của Nhà nước, hình thức này đang gặp khó vì hiện quỹ đất ngày càng hạn chế. Hình thức thứ 3 đó nhà nước thuê của dân và cho DN thuê lại đã được triển khai ở Hà Nam, Lâm Đồng và đạt được một số kết quả nhưng hiện đang vướng ở cơ chế và pháp luật, rủi ro nếu DN không thực hiện hợp đồng.

Phải để thị trường đất đai hoạt động

Là tỉnh có những đột phá trong việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC), ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam - chia sẻ: Tỉnh đã thí điểm cơ chế tích tụ đất đai theo hướng chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra thuê đất của dân 20 năm sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho DN thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá đất của dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn giữ nguyên. Ngân sách tỉnh ứng ngân sách trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian 20 năm, sau đó DN trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê còn lại. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch được 6 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, 2 khu đã đi vào hoạt động, đã có 67 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với diện tích 1.160ha của 2.200 hộ dân tham gia sản xuất nông sản sạch….

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, khi triển khai tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách. Theo đó, Luật Đất đai không quy định chính quyền được ký hợp đồng thuê đất của dân và không cho phép tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất khi chưa có quyết định thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng. Luật Ngân sách không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của DN nhiều lần để hoàn trả. Quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai…

Đất đai manh mún đang là nguyên nhân chính khiến cho năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực và năng suất lao động của Việt Nam luôn thấp nhất so với các nước trong khu vực trong thời gian gần đây. Thêm nữa, một thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển hoàn chỉnh đang trở thành rào cản đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng IPSARD - nhấn mạnh: Đất đai là khâu đầu tiên tạo đột phá phát triển nông nghiệp nhất là khi chúng ta chuyển sang giai đoạn mới, nền nông nghiệp có chức năng mới - đó là nền kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng khoa học công nghệ, thu hút DN làm chuỗi. Để làm được điều này phải để thị trường đất đai hoạt động.

Vị chuyên gia này cho rằng, pháp lý về đất nông nghiệp cần dựa trên 3 quan điểm: Quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản; Phát huy vai trò Nhà nước trong hỗ trợ, tạo động lực để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên mỗi đơn vị diện tích đất; Tăng hiệu quả sử dụng đất phải gắn với phát triển bền vững và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Theo IPSARD, có rất nhiều việc cần làm để thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp phát triển. Nhóm nghiên cứu của IPSARD đã đưa ra kiến nghị chính nhằm xử lý những vướng mắc về cơ chế, giúp thị trường đất nông nghiệp phát triển. Cụ thể, khung giá đất cần được điều chỉnh phù hợp với thị trường, cần xem xét quy định cụ thể khung pháp lý Nhà nước thuê đất của người dân; cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án; nên bổ sung diện doanh nghiệp tự bồi thường…

Đất đai là khâu đầu tiên tạo đột phá phát triển nông nghiệp nhưng đất đai cũng là yếu tố được xã hội quan tâm. Do đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khuyến cáo việc tạo đột phá, nếu không làm cẩn thận, có thể gây ra bất ổn và khiếu kiện. Một cơ chế về đất đai cho nông nghiệp phát triển là cần. Nhưng việc này cần bắt đầu từ “thay đổi quan điểm về quyền sử dụng đất”.

Áp lực tích tụ đất đai cho phát triển nông nghiệp ngày một lớn. Bởi vì đất đai manh mún và phân tán từ nhiều năm nay đã trở thành thách thức lớn nhất trong tạo sinh kế bền vững, mở rộng cơ hội cải thiện sinh kế cho người nông dân.

Viện IPSARD đã thực hiện nghiên cứu về đất nông nghiệp tại 4 địa điểm: An Giang, đại diện cho đồng bằng sông Cửu Long; Hà Nam, đại diện cho đồng bằng sông Hồng; Lâm Đồng đại diện cho khu vực Tây Nguyên và Hòa Bình đại diện cho khu vực miền núi phía Bắc, nhằm đưa ra các đề xuất sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản dưới luật.

Nguồn: Báo Công thương