Theo Bộ Công thương, trong tháng 4 giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và giá một số nguyên vật liệu tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới.
Giá gạo tăng giúp giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung. |
Theo Bộ Công thương, thị trường hàng hóa tháng 4 sôi động hơn do có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng.
Thị trường bán lẻ tháng 4 sôi động
Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá heo hơi tăng nhẹ.
Thức ăn chăn nuôi, đường, nhóm nhiên liệu, năng lượng tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 522,1 ngàn tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Bốn tháng đầu năm ước đạt 2.062,3 ngàn tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 238 tỉ USD, tăng 15,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỉ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá
Bộ Công thương cho rằng, dù đạt được những kết quả tích cực vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi để kịp thời xử lý.
Cụ thể, IIP phục hồi chưa toàn diện (còn 9/63 địa phương có IIP giảm) trong đó, có địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp như Bắc Ninh có IIP giảm 5,5%...
Tăng trưởng thị trường trong nước thấp hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới.
Thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc. Tỉ giá biến động mạnh trong tháng 4 đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, … tăng mạnh, giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp (DN), nhà cung cấp chưa cao.
Đáng chú ý, từ tháng 5 bước vào cao điểm nắng nóng, khô hạn trên diện rộng dẫn đến nhu cầu điện, xăng dầu tăng đột biến.
Lũy kế bốn tháng sản lượng điện đã tăng 12,3% so với cùng kỳ, vượt kịch bản cao 8%-9% được dự báo cuối năm 2023; một số khu vực tăng sản lượng đến 35%-36%.
Các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác tương đương với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh làm tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Để ứng phó với những thách thức còn tiềm ẩn, thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bộ Công thương tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng diễn biến của thị trường xuất khẩu để DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Phát triển dịch vụ logistics, hỗ trợ DN chuyển mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu...
(Theo PLO)