Bạn đang ở đây

Khuyến công

Tiếng Việt

Xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024

Cục Công Thương địa phương đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024.

Theo đó, trước ngày 20/6/2023, Sở Công Thương, các tổ chức dịch vụ khuyến công xây dựng báo cáo đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia gửi về Cục Công Thương địa phương; trước ngày 30/9/2023, các địa phương, đơn vị gửi 1 bộ hồ sơ đề án đã đăng ký hoặc bản đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia (đối với đề án điểm) về Cục Công Thương địa phương để thẩm định cấp Bộ.

Cục Công Thương địa phương cũng lưu ý: Sở Công Thương thẩm định hồ sơ pháp lý của các đối tượng thụ hưởng từ đề án (giấy đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính...) và lưu tại đơn vị theo quy định; không gửi các tài liệu này về Cục Công Thương địa phương.

Cục  Công Thương địa phương
Cục Công Thương địa phương thông báo kế hoạch xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024. Ảnh minh hoạ

 

Về các nội dung hoạt động trong kế hoạch Khuyến công quốc gia, Cục Công Thương địa phương định hướng: Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới: Lựa chọn xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn; mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất: Đổi mới máy móc thiết bị, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững.

Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường: Hỗ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp (lựa chọn đề án đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm kế hoạch); hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (lựa chọn cụm công nghiệp có hồ sơ pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục hoặc gói thầu đề nghị hỗ trợ trong năm kế hoạch).

Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ưu tiên các đề án có sản phẩm được bình chọn, cấp giấy chứng nhận cấp khu vực, quốc gia (giấy chứng nhận còn hiệu lực).

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn: Đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở, giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông; tư vấn, hướng dẫn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.

Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khuyến công.

Căn cứ định hướng trên, Chương trình Khuyến công địa phương và điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Công Thương xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung hoạt động khuyến công dự kiến thực hiện trong năm 2024.

Nguồn: Báo Công Thương

Từ khóa: 

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Bình Thuận: Đề xuất điều chỉnh một số nội dung

Bình Thuận đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung cần thiết nhằm tăng tính hiệu quả cho công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận (Trung tâm), so với kỳ bình chọn năm 2020, số sản phẩm tham gia bình chọn cấp tỉnh của địa phương năm vừa qua tăng 12,5%. Các sản phẩm tham gia bình chọn phong phú về chủng loại, chất lượng sản phẩm được nâng cao, kỹ thuật, mỹ thuật và bao bì đóng gói đẹp, bắt mắt, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Một số cơ sở đã có thêm sảm phẩm mới đăng ký tham gia và cũng nhiều sản phẩm tham gia lần đầu.

Dù vậy sau nhiều năm tổ chức, công tác bình chọn đã bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNT) tiêu biểu qua các năm chủ yếu là sự tham gia của các cơ sở đã tham gia những kỳ bình chọn trước. Số lượng sản phẩm mới và số cơ sở tham gia lần đầu còn thấp, chủ yếu là những sản phẩm như: Nước mắm, thanh long, hải sản; số lượng và chủng loại các mặt hàng sản phẩm tham gia vẫn chưa nhiều, chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng sản phẩm hiện có của tỉnh.

Nguồn: Báo Công Thương

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Bình Thuận: Đề xuất điều chỉnh một số nội dung
Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Bình Thuận: Đề xuất điều chỉnh một số nội dung

Một số tiêu chí chấm điểm còn mang tính chất chung chung, chưa có tài liệu thuyết minh, kiểm chứng hoặc hướng dẫn nên khó khăn trong quá trình chấm điểm của ban giám khảo và thông qua kết quả của hội đồng bình chọn; vẫn còn địa phương hạn chế trong công tác phối hợp thực hiện chương trình bình chọn, chưa sâu sát về thông tin cơ sở, sản phẩm trên địa bàn mình quản lý dẫn đến vẫn còn nhiều cơ sở chưa biết đến chương trình khiến số lượng sản phẩm đăng ký bình chọn còn ít hoặc không có sản phẩm đăng ký tham gia. Để đảm bảo số lượng sản phẩm tham gia bình chọn cấp tỉnh, tổ chuyên môn giúp việc phải rà soát và trực tiếp vận động bổ sung các cơ sở CNNT đăng ký.

Trước những hạn chế trên, đại diện Trung tâm cũng đề xuất: Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ công tác tuyên truyền trên phương tiện truyền thông về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu để các cơ sở biết và tham gia; vận dụng chính sách hiện hành hỗ trợ cơ sở có sản phẩm đạt giải mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Với cơ sở có sản phẩm đạt giải, đề nghị: Doanh nghiệp tiếp tục có nghiên cứu nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhất là các sản phẩm đạt giải khu vực phía Nam.

Từ khóa: 

Mô hình khuyến công - Động lực tăng năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn

Các chương trình, dự án, mô hình khuyến công là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng năng suất chất lượng sản xuất tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

Trước đây, với tư duy “ăn xổi” nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất nhỏ đã áp dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất; Tập trung làm ra những sản phẩm cạnh tranh về giá mà chưa chú trọng tới chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thế nên đã dẫn đến thực trạng, doanh nghiệp làm ra sản phẩm nhưng không bán được hàng, hoặc bán được hàng nhưng với giá cả thấp.

Đứng trước thực tế đó, việc việc đào tạo nâng cao tay nghề, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn là hết sức cấp thiết.

Mô hình khuyến công - Động lực tăng năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn
Khuyến công hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc hiện đại cải thiện năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn

Điển hình trong giai đoạn 2014 - 2021, Trung tâm Khuyến công Hà Nam đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn; Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hải Thủy – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp (Cụm Công nghiệp Biên Hòa, huyện Kim Bảng) cho biết: Chương trình khuyến công đã hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi cải tiến dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa và đặc biệt là đa dạng các sản phẩm, cũng như nâng cao được chất lượng. Được tối ưu hóa công nghệ sản xuất, giờ đây, Công ty chúng tôi tổ chức sản xuất quanh năm, thay vì chỉ sản xuất theo mùa vụ như trước đây. Nhờ vậy, đã đảm bảo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Đối với Công ty TNHH May và Thương mại Minh Quang VN, sau khi được hỗ trợ máy lập trình thì giúp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, năng suất lao động tăng từ 2 – 3 lần. Nếu như trước đây 30 công nhân làm được 200 sản phẩm/ngày thì nay đã tăng lên 400 – 500 sản phẩm/ngày.

Mô hình khuyến công - Động lực tăng năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp được hỗ trợ từ chương trình khuyến công

Không chỉ hỗ trợ cho các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công Hà Nam còn hướng tới việc hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống tại địa phương như: Nghề sản xuất gỗ, thêu ren… Những đề án này đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Sự thành công của những mô hình ban đầu nên thời gian tới, Trung tâm Khuyến công Hà Nam sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn, xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công đảm bảo đúng quy định và phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đạt cao nhất.

Qua điển hình nêu trên tại Hà Nam, mô hình nâng cao năng suất chất lượng từ các đề án, chương trình khuyến công cần được nhân rộng và phát triển trên khắp cả nước, trong đó, chú trọng xây dựng các đề án khuyến công điểm quốc gia; Tập trung hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm để hình thành các cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tàu, có tính dẫn dắt sản xuất tại địa phương.

Nguồn: Báo Công Thương

 

Từ khóa: 

Gia Lai: Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm từ nguồn vốn khuyến công

Hoạt động khuyến công của tỉnh Gia Lai đã xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp, qua đó khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, phát triển...

Hoạt động khuyến công của tỉnh Gia Lai đã xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp, qua đó khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm có thế mạnh tại địa phương.

Gia Lai là địa phương có nhiều thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh thời gian qua đã được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Gia Lai: Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm từ nguồn vốn khuyến công
Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho doanh nghiệp giúp giảm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận

Năm 2022, được thụ hưởng từ nguồn khuyến công địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa) mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm, với công suất 5-7 tấn/năm. Theo ông Nguyễn Trình-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình cho biết, hợp tác xã có 30 ha trồng khoai lang Lệ Cần, để đáp ứng nhu cầu của thị trường hợp tác xã đã cho ra nhiều loại sản phẩm về khoai lang như: miến khoai lang, tinh bột khoai lang, … Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu làm bằng thủ công và máy móc công nghệ cũ, không đảm bảo chất lượng theo mong muốn.

“Được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ kinh phí cho đơn vị mua sắm hệ thống máy sấy lạnh đưa vào sản xuất, chế biến có tổng kinh phí 400 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến nông địa phương hỗ trợ 200 triệu, nguồn vốn đối ứng của hợp tác xã là 200 triệu đồng. Nhờ đó, tất cả các sản phẩm hợp tác xã làm ra đều đạt chất lượng, mẫu mã tốt; sản lượng sản xuất tăng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của HTX và tiếp cận với thị trường nhiều hơn” – ông Nguyễn Trình chia sẻ.

Riêng Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên (Gia Lai) đang phát triển vùng nguyên liệu lên đến trên 3.000 ha tại 5 huyện ở Gia Lai và 2 huyện ở Kon Tum. Mỗi tháng, Công ty còn xuất khẩu khoảng 20 tấn cà phê chất lượng cao, điều này đòi hỏi đơn vị này tích cực thay đổi phương thức sản xuất, chế biến, công nghệ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê sạch. Ông Nguyễn Hải Phong – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên, cho hay: Là một công ty sản xuất, giá trị cốt lõi của công ty là công nghệ sản xuất (máy móc, thiết bị), khi được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, các doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ có điều kiện đầu tư, mua sắm thiết bị máy móc hiện đại hơn và khi máy móc hiện đại các sản phẩm được tạo ra sẽ tốt hơn.

“Đợt này, công ty tôi được phía Sở Công thương tỉnh Gia Lai hỗ trợ nguồn vốn mua sắm hệ thống thiết bị máy rang cà phê có công suất 120 kg/mẻ, 240-360 kg/giờ, với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ gần 200 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của công ty. Đây được xem như một sự tương tác rất tốt trong quá trình tạo ra sản phẩm của công ty, có được nguồn hỗ trợ như thế này thì phía công ty có thể giảm được chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Đồng thời, tiết kiệm nhân công, rút ngắn thời gian sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại” – ông Phong thông tin thêm.

Gia Lai: Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm từ nguồn vốn khuyến công
Chương trình khuyến công hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm cho Công ty TNHH Toàn Nguyễn Gia Lai.

Chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai đang tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Trong năm 2022, Gia Lai đã thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia cho 4 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hơn 13,4 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,6 tỷ đồng; triển khai 12 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.

Ông Ngô Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mai, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết: Từ việc được hỗ trợ kinh phí khuyến công, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đã mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng được thương hiệu. Một số doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, nhiều sản phẩm có triển vọng xuất khẩu.

Năm 2022, tỉnh Gia Lai có 31 sản phẩm/bộ sản phẩm của 27 đơn vị được công nhận và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; 12 sản phẩm/bộ sản phẩm được cử tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Có thể nói, nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn định hướng đầu tư đúng đắn, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn.

Gia Lai: Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm từ nguồn vốn khuyến công

Các hợp tác xã và doanh nghiệp được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã có nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã tốt, sản lượng sản xuất tăng cao đáp ứng nhu cầu phát triển và tiếp cận với thị trường nhiều hơn.

Thời gian tới, chương trình khuyến công tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp, tiểu công nghiệp như: chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng, giá trị cao, sử dụng nguồn nguyên liệu, lao động của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, chế biến nông sản để góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm.

Dự kiến năm 2023, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cơ sở cùng hệ thống máy móc, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia khoảng 2 tỷ đồng.

Nguồn: Báo Công Thương

Từ khóa: 

Gỡ vướng cho công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và địa phương cho Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Nhiều vướng mắc

Công tác quản lý cụm công nghiệp đang được thực hiện theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (Nghị định 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP (Nghị định 66) và pháp luật liên quan. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, công tác này hiện gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, việc chủ trì tham mưu phát triển cụm công nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh trong cụm trên địa bàn cấp tỉnh thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở Công Thương nhưng việc hướng dẫn thu hút đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm theo pháp luật đầu tư lại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy, Sở Công Thương gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quản lý về cụm công nghiệp trên địa bàn.

Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công không đề cập đến tiêu chí phân loại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (dự án đồng bộ) nên các địa phương gặp khó trong đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, đối với tổ chức sự nghiệp công lập chỉ có “Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng...”. Nhưng thực tế, tại các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đa số chưa tự chủ được tài chính (không được thuê đất, cho thuê lại đất). Điều này khiến các địa phương cũng gặp không ít khó khăn do pháp luật đất đai không quy định rõ việc cho thuê đất đối với dự án đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp trong trường hợp này.

cụm công nghiệp
Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý phát triển cụm công nghiệp

Bên cạnh đó, Nghị định số 68 quy định “các công trình xây dựng trong cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và được thẩm định thiết kế thì được miễn giấy phép xây dựng” nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 thì quy định các trường hợp miễn giấy phép xây dựng không bao gồm trường hợp đối với cụm công nghiệp như nêu trên do đó các địa phương gặp vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Hiện nay, việc xác định suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp gặp khó khăn do Bộ Xây dựng chưa có quy định rõ về suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Ngoài ra, một số nội dung, quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phát triển cụm công nghiệp,… cần được rà soát lại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Những bất cập trên theo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đang khiến nhiều địa phương vướng mắc, khó thu hút đầu tư và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Và việc xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thay thế Nghị định số 68 và Nghị định số 66 nhằm tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển cụm công nghiệp một cách hiệu quả, chặt chẽ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh là cần thiết và cấp bách.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất

Trước những bất cập đã chỉ ra, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, hiện đang xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan và địa phương.

Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp gồm 7 chương, 48 điều: Chương I- Quy định chung chủ yếu quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định; giải thích các từ ngữ của Nghị định để thống nhất cách hiểu, áp dụng. Chương này cũng quy định các cơ sở, lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp để các địa phương áp dụng ưu tiên trong quá trình thực hiện.

Chương II- Phương án phát triển, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; chương III - Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; chương IV- Đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chương V- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; chương VI- Quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp; chương VII- Điều khoản thi hành.

Dự thảo Nghị định được nhận định kế thừa những quy định đã khẳng định tính phù hợp tại Nghị định số 68 và Nghị định số 66, chỉ bổ sung, sửa đổi các hạn chế. Nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu và quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 68 và Nghị định số 66…

Dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, văn bản pháp luật mới ban hành như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Quản lý và sử dụng tài sản công; không điều chỉnh các nguyên tắc quản lý đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phải trên cơ sở thẩm quyền của Chính phủ; quy định ở mức đủ mạnh để khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp nhưng không vượt khung so với quy định.

Để xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trước đó Cục Công Thương địa phương đã tổ chức 2 Hội nghị về cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp tại Hà Nội và Bình Dương nhằm lắng nghe ý kiến đánh giá và góp ý của đại diện các đơn vị liên quan, địa phương.

Tại các hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý trong Dự thảo Nghị định: Công tác quy hoạch cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính. Nội dung liên quan đến thành lập cụm công nghiệp sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 để đồng bộ quy trình thành lập. Đồng thời hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.

Coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cùng đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao.

Liên quan đến phân cấp, phân quyền, chỉ định một đầu mối quản lý chung sẽ điều chỉnh theo hướng Bộ tập trung ban hành hành lang pháp lý chung còn lại tôn trọng quyền tự quyết của địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Các cụm công nghiệp trên cả nước thu hút trên 13.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 759.600 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.

Nguồn: Báo Công Thương

 

Hòa Bình trao chứng nhận 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Trong khuôn khổ Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc-Hòa Bình 2022 vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã trao chứng nhận cho 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Hội chợ công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2022 nằm trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Chương trình khuyến công Quốc gia. Hội chợ có sự tham gia của 22 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc, với quy mô gần 300 gian hàng, trưng bày các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của các vùng miền.

Trong đó tỉnh Hòa Bình có 142 gian hàng trưng bày bao gồm các sản phẩm công nghiệp nông thôn và các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Hội chợ được tổ chức từ ngày 25-31/12 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm tỉnh.

Sự kiện là hoạt động thiết thực góp phần quảng bá tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong khu vực, thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm OCOP; đồng thời cũng là dịp để các địa phương trao đổi kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại sự kiện lần này, Hòa Bình đã công bố kết quả bình chọn và trao chứng nhận 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hòa Bình năm 2022, (trong đó: TP Hòa Bình có 6 sản phẩm; huyện Lương Sơn có 3 sản phẩm; huyện Mai Châu có 2 sản phẩm; huyện Lạc Sơn có 4 sản phẩm; huyện Đà Bắc có 1 sản phẩm; huyện Yên Thủy có 3 sản phẩm; huyện Lạc Thủy có 1 sản phẩm).

Hòa Bình trao chứng nhận 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Các đơn vị nhận chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Hội chợ, tỉnh Hòa Bình đã chính thức khai trương Sàn giao dịch Thương mại điện tử, Sàn giao dịch thương mại điện tử có địa chỉ https://hoabinhtrade.gov.vn là giải pháp bán hàng trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng Thương mại điện tử của chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Sàn giao dịch Thương mại điện tử nhằm giới thiệu các sản phẩm thế mạnh đặc trưng của tỉnh, cung cấp thông tin căn bản, cần thiết để thu hút các nhà đầu tư về xuất khẩu có nhu cầu...

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết, việc được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã góp phần động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Hòa Bình trao chứng nhận 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Hòa Bình khai trương phòng triển lãm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Nhân dịp này, Hòa Bình cũng đã cắt băng khánh thành Phòng triển lãm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hòa Bình và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại địa phương đã được 22 tỉnh, thành phía Bắc tham dự Hội chợ triển khai.

Nguồn: Báo Công Thương