Bạn đang ở đây

Mô hình khuyến công - Động lực tăng năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn

03/03/2023 08:39:18

Các chương trình, dự án, mô hình khuyến công là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng năng suất chất lượng sản xuất tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

Trước đây, với tư duy “ăn xổi” nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất nhỏ đã áp dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất; Tập trung làm ra những sản phẩm cạnh tranh về giá mà chưa chú trọng tới chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thế nên đã dẫn đến thực trạng, doanh nghiệp làm ra sản phẩm nhưng không bán được hàng, hoặc bán được hàng nhưng với giá cả thấp.

Đứng trước thực tế đó, việc việc đào tạo nâng cao tay nghề, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn là hết sức cấp thiết.

Mô hình khuyến công - Động lực tăng năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn
Khuyến công hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc hiện đại cải thiện năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn

Điển hình trong giai đoạn 2014 - 2021, Trung tâm Khuyến công Hà Nam đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn; Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hải Thủy – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp (Cụm Công nghiệp Biên Hòa, huyện Kim Bảng) cho biết: Chương trình khuyến công đã hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi cải tiến dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa và đặc biệt là đa dạng các sản phẩm, cũng như nâng cao được chất lượng. Được tối ưu hóa công nghệ sản xuất, giờ đây, Công ty chúng tôi tổ chức sản xuất quanh năm, thay vì chỉ sản xuất theo mùa vụ như trước đây. Nhờ vậy, đã đảm bảo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Đối với Công ty TNHH May và Thương mại Minh Quang VN, sau khi được hỗ trợ máy lập trình thì giúp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, năng suất lao động tăng từ 2 – 3 lần. Nếu như trước đây 30 công nhân làm được 200 sản phẩm/ngày thì nay đã tăng lên 400 – 500 sản phẩm/ngày.

Mô hình khuyến công - Động lực tăng năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp được hỗ trợ từ chương trình khuyến công

Không chỉ hỗ trợ cho các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công Hà Nam còn hướng tới việc hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống tại địa phương như: Nghề sản xuất gỗ, thêu ren… Những đề án này đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Sự thành công của những mô hình ban đầu nên thời gian tới, Trung tâm Khuyến công Hà Nam sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn, xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công đảm bảo đúng quy định và phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đạt cao nhất.

Qua điển hình nêu trên tại Hà Nam, mô hình nâng cao năng suất chất lượng từ các đề án, chương trình khuyến công cần được nhân rộng và phát triển trên khắp cả nước, trong đó, chú trọng xây dựng các đề án khuyến công điểm quốc gia; Tập trung hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm để hình thành các cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tàu, có tính dẫn dắt sản xuất tại địa phương.

Nguồn: Báo Công Thương

 

Từ khóa: