Bạn đang ở đây

xuất khẩu

Tiếng Việt

Thị trường trầm lắng: Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực tìm hướng đi mới

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc, các doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực xoay xở tìm hướng đi mới.

Đơn hàng sụt giảm mạnh

Dù đã bước vào giữa quý II, mùa cao điểm đặt hàng của nhiều ngành như đồ gỗ, dệt may, da giày thị trường xuất khẩu vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Đơn hàng khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp phải gồng mình xoay xở. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, thị trường xuất khẩu hàng dệt may hiện rất trầm lắng, có thể nói là ảm đạm khi nhu cầu tiêu dùng tại EU đang giảm sâu, thị trường Mỹ chưa có tín hiệu phục hồi.

Trong khi đó, các thị trường khác ở khu vực châu Á cũng giảm dần khi lạm phát, suy thoái lan rộng. Trong quý I, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp giảm trung bình hơn 20% so với năm 2022. Sang quý II, tình hình đơn hàng vẫn chưa được cải thiện.

Trước đây, doanh nghiệp cho ra mắt các bộ sưu tập thời trang theo kế hoạch và sản xuất đơn hàng theo mùa và thì nay phải “xoay” đơn hàng cho từng tháng, có đơn tới đâu làm tới đó. Thậm chí, không có đơn đặt hàng.

Thị trường trầm lắng: Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực tìm hướng đi mới
Nhà máy sản xuất ván sàn tại Công ty TNHH thương mại và sản xuất Sao Nam (Bình Dương).

 

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 21% so với tháng 4/2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước. Các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh.

“Hiện cả đơn hàng và đơn giá đều giảm tới 20-30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40-50%. Đây là điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may”, ông Trương Văn Cẩm cho biết.

Cũng như dệt may, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng trong tình trạng “đói” đơn hàng. Bà Đỗ Thị Kim Loan - Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Sao Nam chia sẻ, trước đây 100% sản phẩm ván sàn của công ty chỉ tập trung xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay nhu cầu của Mỹ sụt giảm mạnh khiến đơn hàng xuất khẩu chỉ còn khoảng 35 – 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho biết, đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường quan trọng theo đà giảm từ những tháng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Hiện tại, đơn hàng chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 50% công suất. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp trong ngành gỗ nhiều tháng qua.

Lý giải về nguyên nhân đơn hàng sụt giảm ông Nguyễn Liêm cho biết, do hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU đều giảm cầu tiêu dùng. Dù đã vào giữa quý II nhưng số lượng đơn hàng vẫn rất khan hiếm, nhà máy chỉ hoạt động khoảng 40% công suất. Những đơn hàng doanh nghiệp nhận được đến nay chủ yếu là các đơn hàng nhỏ, số lượng ít và chỉ đủ sản xuất cầm chừng đến hết quý II, chưa có các đơn hàng cho nửa cuối năm.

Doanh nghiệp tìm hướng đi mới

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2023. Trong tình hình đó, các doanh nghiệp đều đang nỗ lực xoay xở tìm giải pháp để khắc phục tình trạng không có đơn hàng.

Ông Trần Thế Linh - Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh cho biết, từ khi đơn hàng bắt đầu sụt giảm, doanh nghiệp đã liên tục ra nước ngoài đàm phán với khách hàng để đa dạng chủng loại sản xuất. Nếu như trước đây, công ty chỉ làm một loại giày nữ thì nay công ty mở rộng sản xuất cả giày nam và giày trẻ em.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng giảm giá thành sản phẩm khoảng 10% so với trước. Thậm chí chấp nhận sản xuất không lợi nhuận để giữ đơn hàng.

“Nói đơn giản là công ty chấp nhận làm tất cả sản phẩm mà khách hàng có nhu cầu. Thậm chí, chúng tôi còn nói khách hàng có nhu cầu gì, muốn giá như thế nào thì cứ báo và công ty sẵn sàng đáp ứng. Mặc dù lượng đơn hàng đảm bảo đủ việc làm cho công nhân, song công ty cũng không tăng ca và chưa biết khi nào thị trường sẽ đầy ắp đơn hàng như trước”, ông Trần Thế Linh chia sẻ.

FTA Việt Nam- Israel là cơ hội giúp doanh nghiệp dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang tìm hướng tái cấu trúc thị trường và khách hàng

 

Mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ trong nửa đầu năm 2023 là duy trì được hoạt động sản xuất của nhà máy ở mức huề vốn để giữ được càng nhiều lao động càng tốt. Bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết, ngay khi thị trường Mỹ chững lại, lãnh đạo công ty Sao Nam đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Australia, Canada…để bù đắp phần nào lượng sụt giảm từ thị trường chính.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc tái cấu trúc lại nhà máy, đầu tư thêm từ 30% – 35% vốn để trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại hơn nhằm cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao độ chính xác cũng như tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Việc xoay sở, tái cấu trúc thị trường, đơn hàng cũng là hướng đi của các doanh nghiệp ngành dệt may. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, dù các thị trường mới, thị trường ngách chưa thể bù đắp cho phần sụt giảm tại các thị trường chính, song đây là cách để doanh nghiệp có thể trụ lại. “Không chỉ chấp nhận làm các đơn hàng nhỏ, lẻ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp còn phải tái cấu trúc lại sản xuất, đánh giá thị trường, quyết định các kế hoạch sản xuất ngắn hạn theo tháng thay vì theo quý, năm như trước đây”, ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh.

Để tiếp cận được nhiều khách hàng nhất, Việt Thắng Jean đã sử dụng các ứng dụng trực tuyến, thương mại điện tử để trao đổi, gửi mẫu tới khách hàng, giảm số lượng mẫu phải sản xuất thực tế vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, khách hàng cũng dễ dàng đánh giá và điều chỉnh mẫu hơn trước. Đội ngũ marketing của công ty cũng phải nhạy bén hơn trong việc nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng thời trang thế giới để đưa vào sản phẩm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Công Thương

Từ khóa: 

Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản cao gấp 133 lần so với năm 1986

Dù gặp nhiều khó khăn, biến động, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra tại Hà Nội sáng 13/1.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận để cụ thể hóa các hoạt động hợp tác đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành nông nghiệp, trong đó có các hợp tác về công nghiệp hóa nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đàm phán xúc tiến thị trường phi thuế quan, phát triển làng nghề nông nghiệp, quản lý vật tư nông nghiệp và điện khí hóa trong ngành nông nghiệp và nông thôn.

Trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... Một số mặt hành chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu.

Những thành quả trên đạt được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và quyết tâm vượt khó của cả ngành nông nghiệp và sự tham gia hiệu quả quả, kịp thời của các Bộ, ban ngành từ Trung ương trong hỗ trợ sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản cho nông dân.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, tham gia hỗ trợ để thực hiện đàm phán, mở cửa thị trường, thực hiện thương mại tự do, phòng vệ thương mại để bảo vệ nhà sản xuất trong nước, tổ chức kết nối cung cầu tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản.

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 ở mức 2%, giảm đáng kể so với 2022 và còn nhiều khó khăn. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã khôi phục xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản khi tiếp cận thị trường nước bạn.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề xuất một số nội dung hợp tác giữa hai Bộ gồm: Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc; nâng cao chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Nguồn: Báo Công Thương