Môi trường kinh doanh năm 2023: Áp lực cải cách từng tháng
Mặc dù cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn chờ đợi nhìn thấy những hành động cụ thể của cơ quan thực thi.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh phải không ngừng hoàn thiện, theo hướng đơn giản hóa, minh bạch hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh
Áp lực thực thi
Trước ngày 20/1/2023, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn tất việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai Nghị quyết 01/2023/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán Ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Chương trình, kế hoạch này sẽ phải đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện… và sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023.
“Áp lực thực thi hẳn là điều mà các địa phương, các ngành cảm nhận được, vì Nghị quyết 01 là nghị quyết điều hành của Chính phủ, nên đòi hỏi cập nhật, báo cáo thường xuyên tình hình thực hiện”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Năng lực cạnh tranh và Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nhận định.
Phải nhắc lại, sau 9 năm tồn tại độc lập với 2 phiên bản là Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 được Chính phủ ban hành hằng năm, lần đầu tiên, nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tích hợp vào Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tuy vậy, điểm kết nối vẫn rõ nét, khi mục tiêu mà Nghị quyết 02/2022/NQ-CP đặt ra tới năm 2025 vẫn là nhiệm vụ phải làm, cùng với một số nhiệm vụ của năm 2023 được xác định thêm (gồm tăng 2 bậc chỉ tiêu quyền tài sản của Liên minh Quyền tài sản và tăng ít nhất 2 bậc về chỉ tiêu việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức).
Nghị quyết 01/2023/NQ-CP tiếp tục nhấn mạnh 4 nhiệm vụ chính, phần lớn là các nhiệm vụ đã được đặt ra trong Nghị quyết 02 của năm 2022.
Một là, nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn…; thực hiện hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển quy phạm pháp luật để đảm bảo tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Hai là, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, thực chất thủ tục điện tử trên Công thông tin một cửa quốc gia…
Ba là, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng pháp luật của doanh nghiệp…
Bốn là, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số…
Chờ giải pháp cụ thể
Thực ra, cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, nên những năm trước, dù Nghị quyết 02, hay trước đó là Nghị quyết 19 được ban hành hàng năm, nhưng nguyên tắc khá rõ là mục tiêu cải cách phải thống nhất và nhiệm vụ nào chưa hoàn thành vẫn phải tiếp tục. Ở góc độ này, nhiệm vụ cần phải làm của mỗi năm sẽ là phần tiếp nối các công việc của các năm trước.
Cũng chính vì nguyên tắc này, bà Thảo cho biết, Nghị quyết 02 mỗi năm có giải pháp cụ thể, với đầu việc và cơ quan chủ trì, phối hợp rõ ràng.
“Đây là nội dung chưa có trong Nghị quyết 01, nhưng lại quyết định các hành động cụ thể của cơ quan thực thi và là cơ sở để các bên như các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu… thực hiện giám sát. Ví dụ, nhiệm vụ nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở việc có đường dây nóng, mà phải là hiệu quả của đường dây nóng thế nào; hay việc hỗ trợ phát triển thị trường sẽ phải nhìn nhận ở góc độ khai thác các hiệp định thương mại tự do ra sao...”, bà Thảo phân tích.
Bởi vậy, nội dung các chương trình, kế hoạch hành động mà các địa phương đang hoàn thiện theo yêu cầu của Nghị quyết 01 là mối quan tâm của các doanh nghiệp vào thời điểm này.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ quan điểm này khi nói đến không gian cải cách của năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đối mặt với không chỉ những cơn gió nghịch.
“Cơn gió nghịch chính là ngoại cảnh tác động vào nền kinh tế mà chúng ta không xoay được. Nhưng chậm trễ trong đầu tư công, trong thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp không phải là cơn gió nghịch, mà là vấn đề nội tại. Nhưng đây là các vấn đề chúng ta có thể giải quyết được”, ông Bình nói.
Đáng nói là, đây chính là dư địa thúc đẩy các động lực tăng trưởng và để hạn chế, khắc chế được những tổn thất của nền kinh tế trước những cơn gió nghịch.
Nhưng dư địa này rộng hay chật, khả thi hay không lại phụ thuộc rất lớn vào các kế hoạch cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, ở cả nội dung và tốc độ thực thi.
Nguồn: Báo Đầu tư