Bạn đang ở đây

ưu đãi bằng tiền

Tiếng Việt

Tổng giám đốc Samsung: Việt Nam nên giành quyền đánh thuế và bổ sung ưu đãi

Lo lắng trước việc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được thực thi từ năm 2024 ở một số quốc gia, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã đề xuất một số chính sách Việt Nam nên áp dụng.

Lần đầu tiên, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho đã thể hiện quan điểm của mình về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc gặp với Tổng cục Thuế chiều 28/3, ông Choi Joo Ho cho rằng, với việc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Lo chính sách thu hút FDI của Việt Nam bị ảnh hưởng

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu không ứng phó tốt với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu thì sẽ dẫn tới sự gia tăng những gánh nặng về thuế cho nhiều doanh nghiệp FDI, kéo theo là sự giảm sút trong năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp”, ông Choi Joo Ho nói.

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam lần đầu lên tiếng về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề cập về trường hợp của Samsung, công Choi Joo Ho cho biết, kể từ năm 2008 đến nay, Samsung đã và đang liên tục triển khai các hoạt động đầu tư với con số lũy kế đầu tư đã lên tới 20 tỷ USD.  

Hiện tại Samsung Việt Nam có 6 pháp nhân sản xuất, 1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

“Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam là 65 tỷ USD, qua đó đóng góp lớn cho nền kinh tế của Việt Nam”, ông Choi Joo Ho nói và cho biết, Samsung Việt Nam hiện đang sản xuất 50% sản lượng điện thoại di động trên toàn thế giới.

“Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi đang nhận được những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì dự kiến kể từ năm 2024, Samsung sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của Trụ cột 2 (thuế tối thiểu toàn cầu - PV)”, ông Choi Joo Ho lo lắng.

Theo ông Choi Joo Ho, trong trường hợp không có thay đổi về chính sách thuế tại Việt Nam, thì từ năm 2024, Samsung sẽ phải nộp một số thuế bổ sung lớn về Hàn Quốc mỗi năm.

“Điều này dẫn tới hệ quả là năng lực cạnh tranh sản phẩm của Samsung sẽ bị sụt giảm, đồng thời cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho chính sách thu hút FDI của Chính phủ Việt Nam”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Chính bởi lẽ đó, ông Choi Joo Ho cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam cần phải đưa ra những quyết đoán đối với việc áp dụng rhuế tối thiểu toàn cầu.

Có hai đề xuất được Samsung đưa ra, nhằm duy trì duy trì năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI và các chính sách ưu đãi.

Đó là, cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện cho phần ưu đãi bị sụt giảm của các doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tùy theo từng loại hình doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa (QDMTT) để giành quyền thu thuế bổ sung và có được nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền.

Cần thiết hỗ trợ bằng tiền cho doanh nghiệp

Phân tích sâu hơn về hai đề xuất của Samsung, ông Choi Joo Ho cho biết, do ảnh hưởng của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ Việt Nam sẽ khiến cho số thuế phải đóng bổ sung bị chuyển về quốc gia nơi đặt trụ sở công ty mẹ tối cao của các doanh nghiệp đa quốc gia.

“Nói cách khác, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia có được khi đầu tư tại Việt Nam sẽ bị cơ quan thuế của một quốc gia khác không phải Việt Nam lấy đi quyền đánh thuế”, ông Choi Joo Ho lý giải.

Điều này, theo ông Choi Joo Ho, còn khiến năng lực cạnh tranh đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị giảm sút. Vì thế, để đảm bảo năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, thì bắt buộc phải có chính sách ưu đãi đầu tư mới.

Samsung Việt Nam đã khuyến nghị hai chính sách cần áp dụng khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Nói cách khác, cần áp dụng cơ chế hỗ trợ tiền mặt thay thế cho cơ chế miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp - đã bị vô hiệu hóa bởi quy tắc của Trụ cột 2. Điều này giúp duy trì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh thông qua tái đầu tư bằng khoản hỗ trợ”, ông Choi Joo Ho đề xuất.

Theo ông Choi Joo Ho, thì do khoản hỗ trợ này được thực hiện thông qua các quy trình thủ tục đăng ký và chi trả sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nên Chính phủ Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn tài chính và chi trả.

Giành quyền đánh thuế bổ sung để có thêm nguồn lực tài chính  

“Để có thể hỗ trợ trực tiếp bằng khoản hỗ trợ tiền mặt, vấn đề quan trọng hàng đầu cần cân nhắc là làm thế nào để tạo nguồn tài chính”, ông Choi Joo Ho nói.

Chia sẻ thông tin được biết là gần đây, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị phương án nâng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15%, song cơ chế này lại được vận hành một phần khác với quy tắc của OECD, ông Choi Joo Ho thẳng thắn “muốn kiến nghị một cách mạnh mẽ về việc Việt Nam áp dụng QDMTT theo khuyến nghị của OECD”.

Theo ông Choi Joo Ho, chính OECD đã công bố một báo cáo, mà trong đó khuyến nghị các quốc gia nhận đầu tư nên áp dụng cơ chế QDMTT để giữ quyền đánh thuế đối với phần thuế bổ sung 

Ngoài ra, theo ông Choi Joo Ho, OECD cũng cung cấp các công thức tính toán như thuế suất hiệu quả, thuế bổ sung… để các quốc gia nhận đầu tư có thể dễ dàng áp dụng, vừa tránh vấn đề đánh thuế hai lần, đặc biệt khi Việt Nam vận hành quản lý theo hệ thống thuế quốc tế, sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy của hệ thống thuế Việt Nam. 

“Không chỉ vậy, hiện tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Hồng Kong, Malaysia… cũng đang chuẩn bị để áp dụng QDMTT, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên cần áp dụng”, ông Choi Joo Ho bày tỏ và cho rằng, nếu áp dụng phương án nâng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15% thì sẽ “gây ra sự phức tạp trong tính toán thuế bổ sung và khả năng cao là doanh nghiệp bị đánh thuế hai lần đối với phần thuế bổ sung do khác biệt giữa các quốc gia”. 

Không chỉ vậy, theo ông Choi Joo Ho, khái niệm trao quyền lựa chọn cho doanh nghiệp có thể vi phạm điều kiện “tính bắt buộc của nghĩa vụ nộp thuế” tại quy định OECD, nên sẽ có rủi ro bị đánh thuế bổ sung tại nước khác. Do đó, phát sinh rủi ro đánh thuế hai lần đối với các doanh nghiệp, đồng thời phát sinh rủi ro giảm năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI đối với Chính phủ Việt Nam

“Vì vậy, chúng tôi muốn kiến nghị Việt Nam bằng cách áp dụng QDMTT dựa trên quy định của OECD, qua đó giúp Việt Nam duy trì quyền đánh thuế của mình, đồng thời đảm bảo được nguồn thu thuế bổ sung và tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp FDI”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Theo ông Choi Joo Ho, phương án nâng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thậm chí có thể khiến doanh nghiệp FDI dời đầu tư khỏi Việt Nam, từ đó làm giảm nguồn thu từ thuế, xa hơn là giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thậm chí, ông Choi Joo Ho cảnh báo rằng, điều này có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đa quốc gia phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất đầu tư của mình do năng lực cạnh tranh tại Việt Nam bị giảm sút. 

“Vì vậy, điều mà Chính phủ Việt Nam phải quan ngại không phải là rủi ro khởi kiện bởi các nhà đầu tư khi nâng mức thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15%, mà chính là rủi ro về khả năng rút đầu tư của các doanh nghiệp FDI”, ông Choi Joo Ho nói và nhấn mạnh rằng, khi Việt Nam có các chính sách ưu đãi thay thế phù hợp thì không có lý do gì để phát sinh rủi ro khởi kiện ở đây. 

Theo ông Choi Joo Ho, các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan… cũng đang giảm thiểu tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu thông qua hình thức ưu đãi trợ cấp tiền mặt. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cũng nên có những phương án chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp tương tự như các quốc gia khác.  

“Từ xuất phát điểm là thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam cần thiết phải thay đổi chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI, đồng thời nhanh chóng xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi hiện tại bằng cách áp dụng cơ chế QDMTT và hỗ trợ dựa trên chi phí trực tiếp bằng tiền”, ông Choi Joo Ho nói.

Nguồn: Báo Đầu tư