Cần thực hiện nhiều giải pháp để ngày “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” 15/3 có ý nghĩa thiết thực hơn
Luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực hiện được hơn 10 năm nay và có nhiều tác dụng tích cực đối với xã hội.
Trong quá trình nhiều năm qua, Luật đã có những tác dụng tích cực, 8 quyền của người tiêu dùng ngày càng được toàn xã hội quan tâm hơn.
Luật ngày càng được thực thi hiệu quả và sâu rộng hơn trong đời sống kinh tế xã hội. Quyền lợi của người tiêu dùng đã được coi trọng, nhiều vụ việc vi phạm đã được xem xét và xử lí, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ công tác này đã được quan tâm và coi trọng, các đơn vị đã đầu tư vào sản xuất, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, của sản phẩm tạo niềm tin cho khách hàng bằng chất lượng và giá cả hợp lý. Đối với người tiêu dùng, một khi vị thế đã được nâng lên, trên cơ sở nắm vững các quyền của mình, họ yên tâm mua bán hàng hoá và sử dụng dịch vụ trên thị trường, lựa chọn những địa chỉ đáng tin cậy để gửi niềm tin thực sự của mình với những thương hiệu đã có chỗ đứng lâu dài trên thị trường nội địa.
Ảnh minh họa |
Các lực lượng thực thi pháp luật như quản lý thị trường, y tế, khoa học công nghệ, công an kinh tế, … Từng bước làm tròn nhiệm vụ của mình ở từng địa bàn được phân công. Tuy nhiên, nghiêm túc mà đánh giá, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong xã hội còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy mà Quốc hội đang bàn để sớm sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sát với thực tế cuộc sống ngày nay hơn.
Hiện nay, những hiện tượng buôn bán hàng hoá, thực hiện dịch vụ còn có những khiếm khuyết vi phạm đến quyền của người tiêu dùng trong một xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và hiện đại văn minh hơn, quy mô về sức mua xã hội đã có nhiều thay đổi so với nhiều năm trước đây, mua bán ngày nay không chỉ là trực tiếp mà còn mua bán trên mạng thông qua các nền tàng số được thiết lập.
Về thực thi pháp luật, qua thống kê cho ta thấy còn nhiều sơ hở trong công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hoá, trách nhiệm đến cùng của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sản xuất với người tiêu dùng còn khiếm khuyết một khi có những khiếu nại.
Người tiêu dùng trong xã hội ngày nay có lúc còn đơn giản trong mua sắm, thích chạy theo xu hướng mới, còn ham những sản phẩm có thương hiệu song giá lại quá hấp dẫn, phù hợp với thu nhập của mình đang có hạn.
Chính vì vậy đã phát sinh các trường hợp khiếu nại với các nhà cung cấp, gây khó khăn về thủ tục, thời gian, kinh phí, nhân lực để giải quyết các vụ việc các luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những nội dung còn trùng chéo, hiêu lực thi hành chưa được cụ thể, dễ nhầm lẫn trong quá trình thực hiện và dễ bị lợi dụng. Có những quy định còn bất cập ví dụ vấn đề chỉ hậu kiểm sau khi bán các sản phẩm liên quan đến dinh dưỡng, sức khoẻ của con người, nhưng thực tế công tác này không theo kịp được sự vận động của hàng hoá diễn ra liên tục trong một ngày, chính vì vậy nên khi đã xảy ra có khiếu kiện thì chúng ta mới hậu kiểm và chậm được xử lý chỉ vì những văn bản cho phép hậu kiểm trên, nên vụ việc chậm được giải quyết, hoặc giải quyết khi sự việc đã rồi, chắc chắn sẽ gây ra những hệ luỵ khó lường mà trong thực tế một số năm qua đã có những vụ cụ thể (vụ pate Minh chay ở Đông Anh, Hà Nội là một ví dụ).
Muốn sớm ngăn ngừa và khắc phục kịp thời những vi phạm luật cần phải có những giải pháp cơ bản sau đây để quyền của người tiêu dùng được bảo vệ sớm, kịp thời ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc, không mong muốn: Trước hết cần rà soát các luật, các quy định hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tại ở cuộc sống ngày nay. Xây dựng ý thức tự giác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ. Tăng cường chất lượng của công tác kiểm tra ngăn ngừa uốn nắn các vi phạm có khả năng xảy ra dẫn tới vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả, sự phối hợp của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xã hội.
Đối với người tiêu dùng, cần cắm vững pháp quyền của mình trong quan hệ mua bán giao dịch, thụ hưởng dịch vụ trên thị trường. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần nắm bắt thông tin kịp thời của những sự việc để các lực lượng kiểm tra xử lý và giải quyết, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở các vùng miền, địa phương trong cả nước.
Nâng cao quyền uy và trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề, ngành hàng nhất là Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ở trung ương và ở các địa phương. Khi tham gia giải quyết các vụ việc, các hiệp hội cần công tâm, phân biệt đúng sai cua sự việc, đảm bảo tính khách quan, trung thực của tổ chức mà doanh nghiệp và người tiêu đùng xã hội gửi gắm, tin tưởng.
Theo thống kê cho biết, việc vi phạm quyền của người tiêu dùng trong 8 quyền cơ bản thì quyền được lựa chọn hàng hoá, quyền được thông tin, quyền được khiếu nại với doanh nghiệp là một số quyền còn chưa thực hiện được nhiều giúp cho người tiêu dùng giảm bớt những khó khăn trong giao dịch hàng ngày. Bảo vệ quyền của người tiêu dùng phải bảo vệ trọn vẹn các quyền cơ bản mà luật đã quy định.
Đồng thời phải chú ý bảo vệ từ những cái nhỏ nhất trên thị trường Việt Nam giữa các chủ thể với nhau khi giao dịch có phát sinh. Công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng rất cần việc khen thưởng và xử lý giải quyết vụ việc một cách nghiêm minh. Bảo vệ những thương hiệu làm ăn tử tế, đồng thời nghiêm khắc phê bình và cần thiết phải xử lý để đủ sức răn đe trước những vi phạm đang xảy ra thường xuyên ở nước ta.
Làm được những vấn đề trên, trên cơ sở luật mới sẽ được sửa đổi chắc chắn trong thời gian tới, quyền của người tiêu dùng sẽ được tôn trọng hơn, góp phần vào nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng lành mạnh, đưa sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước ngày càng nhanh và bền vững.
Nguồn: Báo Công Thương