Bạn đang ở đây

kinh doanh xăng dầu

Tiếng Việt

Ngày này năm xưa 13/2: Bộ Công Thương có văn bản hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu

Ngày này năm xưa 13/2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thǎm, chúc tết đồng bào xã Liên Hà, huyện Đông Anh; ban hành văn bản hợp nhất NĐ về kinh doanh xăng dầu.

Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước; ngành Công Thương; quốc tế và sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ ngày 13/2.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 13/02/2018, Bộ Công Thương có quyết định 579/QĐ-BCT Phê duyệt danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng đợt 2 năm 2018 tham gia "Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025" thực hiện Đề án "Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025".

Ngày 13/02/2018, Bộ Công Thương có văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BCT về Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, hợp nhất Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2018.

Ngày này năm xưa 13/2: Bộ Công Thương có văn bản hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Ảnh minh hoạ

 

Ngày 13/02/2017, Quyết định số 192/QĐ-TTg về Phê duyệt "Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025".

Ngày 13/02/2014, Nghị định 10/2014/NĐ-CP Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Ngày 13/02/2012, Bộ Công Thương có quyết định 583/QĐ-BCT Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Đúc Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020, có xét đến năm 2025.

Ngày 13/02/2012, Bộ Công Thương có Thông tư 04/2012/TT-BCT quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất.

Ngày 13/02/2004, Quyết định 10/2004/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc sửa đổi Điều 2 Quyết định số 135/2003/QĐ-BCN ngày 26 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về chuyển Công ty Hoá chất Đức Giang thành Công ty cổ phần Hoá chất Đức Giang.

Ngày 13/02/2003, Quyết định 05/2003/QĐ-BCN Về việc sáp nhập Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam vào Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam.

Ngày 13/02/1999, Quyết định 22/1999/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt Dự án điện nông thôn.

Sự kiện về Bác Hồ

Ngày 13/2/1930, Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử là tổ chức thành công cuộc hợp nhất giữa các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và hải ngoại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 13/2/1958, Bác Hồ kết thúc chuyến thăm lịch sử Ấn Độ. Trước khi rời thành phố Calcuta để lên đường thăm Miến Điện, Bác đến thăm Hội Mahabodhi, một tổ chức Phật giáo có tiếng ở Ấn Độ. Sau khi lễ Phật, Bác dự buổi mít tinh do các Phật tử tổ chức.

Lời chào mừng của người đứng đầu tổ chức này đã đánh giá: “Như một vị ẩn sĩ chân chính, Chủ tịch đã hy sinh suốt đời cho nhân dân và Tổ quốc Ngài; Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy của địa vị Chủ tịch một nước. Cũng như Hoàng đế Asoka, một vị Phật tử đầy lòng hy sinh, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người có đầy lòng tin tưởng…”.

Bác Hồ cùng đồng bào, cán bộ xã Kim Liên trong những lần Bác về thăm quê
Bác Hồ cùng đồng bào, cán bộ xã Kim Liên trong những lần Bác về thăm quê

 

Còn trong diễn văn của ông Thị trưởng thành phố Calcuta nơi đón tiếp và tiễn Bác sau 10 ngày thăm Ấn Độ, đã ca ngợi: “Cũng như người Cha vĩ đại của dân tộc chúng tôi là Thánh Gandhi, Ngài là biểu hiện của một đời sống giản đơn, thanh cao và khắc khổ. Chúng tôi hết lòng cầu với Thượng đế rằng cuộc viếng thăm lịch sử của Ngài đến đất nước này sẽ đúc nên những sợi dây chuyền vàng bằng hữu nghị để thắt chặt hai dân tộc chúng ta trong tình nghĩa anh em sáng chói”.

Ngày 13/2/1960: Báo Nhân Dân đăng bài “Cái vòng trôn ốc” (ký C.K) nhấn mạnh đến quan điểm của Lênin: “phân tích cho đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất cho sự thắng lợi của trật tự xã hội mới”. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều về lời dạy đó trong công việc hàng ngày của mình”.

Ngày 13/2/1961, Bác Hồ đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và đặc biệt quan tâm tìm hiểu mặt trống đồng Đông Sơn.

Ngày 13/2/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày nay). Trong thư, Người lưu ý các xã viên trong một hợp tác xã và xã này với xã khác, phải đoàn kết thương yêu như người trong một nhà, khi có khó khăn thì giúp nhau giải quyết. Các cán bộ, đảng viên, và đoàn viên phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và phải xung phong đi trước để đồng bào tiến sau.

Ngày 13/2/1964, Bác có lời thơ chúc mừng năm mới: Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.

Sáng 13/2/1969, Bác đón các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc và tiếp bà Menba Hernadez, Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam và các bạn Cuba trong Viện Hữu nghị các dân tộc đang thăm nước ta.

Ngày 13/2/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày nay) nếu "muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Ngày này năm 1969, Bác Hồ đón các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc.

Ngày 13/2/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm và nói chuyện với Đại đội 130 pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội. Bác căn dặn, các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta.

Sáng ngày 13/2/1964 (tức là mồng Một Tết nguyên đán Giáp Thìn), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thǎm và chúc tết đồng bào xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bác Hồ đã vào thǎm gia đình cụ Nguyễn Thế Oanh có 4 con trai đi bộ đội (3 người đã hy sinh), ông Đinh Thiệm, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Nói chuỵện với bà con tại đình làng Lỗ Khê (xã Liên Hà), Bác Hồ khen ngợi xã nhà đã cần kiệm xây dựng hợp tác xã và cǎn dặn: "Đây mới là thắng lợi bước đầu, không được tự mãn, chủ quan. Không phải cái gì cũng phải tốt cả, mà còn có những cái kém. Đó là vệ sinh, chǎn nuôi, trồng màu và trồng cây".

Sự kiện quốc tế

Ngày 13/2/1862, Maicơn Pharađây đã làm thí nghiệm thứ 16.041 của mình. Ông sinh nǎm 1791 và mất nǎm 1867. Ông là một nhà vật lý nổi tiếng người Anh, đã phát hiện ra hiện tượng cảm ứng điện từ, tìm ra định luật điện phân, đã đưa ra cách biểu diễn điện trường và từ trường bằng đường sức và có nhiều công trình khoa học khác.

Vinhem Rixát Vácnơ (Wilhemlm Richard Wagner), nhà soạn nhạc nổi tiếng Đức, sinh ngày 22-5-1813. Nǎm 20 tuổi ông đã trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Các nhạc phẩm tiêu biểu: "Rienzi và chiếc tàu ma", "Tannhauser", "Chiếc vòng của giống người Nibelungen", "Trista và Isode", "Những ca sĩ thành Nuremberg". Ông mất ngày 13/2/1883.

Anphôngxơ Béctilông (Alphonse Bertillon) sinh nǎm 1853, mất ngày 13/2/1914. Ông là nhà bác học Pháp đã lập ra "Phép đo người nhận dạng". Hệ thống nhận dạng tội phạm hình sự được toà án Pari áp dụng từ nǎm 1882. Bằng nhiều phát minh và sáng kiến xuất sắc, ông đã đóng góp lớn lao vào sự tiến bộ của kỹ thuật cảnh sát hình sự như lấy dấu tay, đo sọ.v.v...

Sự kiện hôm nay

Ngày 13/2/2023, Nhật Bản công bố số liệu GDP quý IV/2022 (ước tính ban đầu).

Ngày 13/2/2023, tại Brusels (Bỉ) - Các bộ trưởng tài chính Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhóm họp.

Nguồn: Báo Công Thương

Niêm yết giá không đúng quy định, một doanh nghiệp xăng dầu ở An Giang bị phạt

Doanh nghiệp Tư nhân xăng dầu An Thạnh Trung, tỉnh An Giang do niêm yết giá không đúng quy định đã bị lực lượng chức năng tỉnh này xử phạt.

Thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 5, trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, đơn vị này đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Niêm yết giá không đúng quy định, một doanh nghiệp xăng dầu ở An Giang bị phạt
Doanh nghiệp A Thạnh Trung bị xử phạt

 

Cụ thể, nhận được tin báo phản ánh của người dân qua đường dây nóng, vào hồi 09 giờ 00 phút ngày 13/1, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra Doanh nghiệp Tư nhân An Thạnh Trung, do ông Lê Thành Nam sinh ngày 25/12/1961 làm chủ doanh nghiệp. Địa chỉ tại địa chỉ ấp An Lạc, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm hành chính là niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Cụ thể niêm yết giá bán xăng RON 95-III trên bảng giá 22.800 đồng/lít cao hơn so với giá thông báo của thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định đối với xăng RON 95-III giá 22.350 đồng/lít (chênh lệch 450 đồng).

Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên.

Được biết, ngoài kiểm tra theo phản ánh của người dân, thực hiện Công điện số 383/CĐ-BCT về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Công văn số 77/TCQLTT-CNV của Tổng cục Quản lý thị trường về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thường xuyên có mặt thực hiện khảo sát, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh, buôn bán xăng dầu, đảm bảo nguồn cung trên địa bàn.

Nguồn: Báo Công Thương

Bộ Tài chính đề nghị giao thống nhất quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 973/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương tham gia ý kiến về đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.

 

 

Theo đó, Bộ Tài Chính nhận được công văn số của Bộ Công Thương đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí, bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Bộ Tài Chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Bộ Tài Chính cho biết, phương án này đã được rà soát đánh giá từ thực tiễn, các cơ sở pháp lý. Cụ thể, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu; tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài Chính như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện.

Vì vậy, Bộ Tài Chính đề nghị sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất về một cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan điều hành giá xăng dầu để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, theo quy định, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.

Với chức năng, thẩm quyền như vậy, Bộ Công Thương nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm. Vì vậy, cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

Bộ Tài Chính nhấn mạnh, việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân. Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành giá.

Bộ Tài Chính cũng đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác về việc thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo Bộ Tài Chính, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở), vì vậy với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác là những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.

Cũng tại văn bản góp ý vào dự thảo nghị định, Bộ Tài Chính thống nhất với Bộ Công Thương tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, nhưng có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố trước tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.

(Theo VTV)

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Nghị định kinh doanh xăng dầu

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

 

Tại Chỉ thị số 03, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm để sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả, tạo năng lực sản xuất mới.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung trong mọi tình huống, gây bất ổn thị trường; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian…

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với những mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân dịp Lễ hội đầu năm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào nội địa. Theo dõi, cập nhật, bảo đảm tiến độ thông quan hàng hóa, nhất là đối với hàng nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các thị trường mới có tiềm năng.

Cũng tại Chỉ thị số 03, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; thúc đẩy và bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành; rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm về điện, năng lượng tái tạo.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ưu tiên cung cấp điện lưới tới những thôn, bản lõm sóng viễn thông do chưa có điện, phối hợp đồng bộ với các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thực hiện nhiệm vụ "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó"; phấn đấu ở đâu cũng có điện, có viễn thông.

Đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá xăng còn 7 ngày

Theo Dự thảo Tờ trình mới đây, thời gian điều hành giá xăng dầu được đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ.

Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch.

Lý do chọn được Bộ Công Thương đưa ra là nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Ưu điểm của phương án này là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.

Chỉ rõ thêm về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh, Bộ Công Thương cho hay, phương án giữ nguyên thời gian điều chỉnh vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng có ưu điểm là không làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, ổn định tương đối của giá xăng dầu để không ảnh hưởng công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chưa phù hợp với đề xuất của một số đơn vị có ý kiến rút ngắn thời gian điều hành giá nên khi giá xăng dầu thế giới vào giai đoạn tăng, các đơn vị này lại tiếp tục có kiến nghị; mặc dù đây không phải là nguyên nhân của việc thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ thời gian qua nhưng trong trường hợp các nguyên nhân trực tiếp của những khó khăn về nguồn cung xăng dầu, gồm việc tính đủ chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính… chưa đước giải quyết dứt điểm, các đơn vị liên quan lại tiếp tục nêu vấn đề sửa đổi việc điều hành giá.

(Theo Doanh nhân)

Thực hiện nghiêm Công điện của Bộ trưởng về kiểm tra kinh doanh xăng dầu

Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đã được thực hiện nghiêm túc.

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương (số 383/CĐ-BCT ngày 20/1/2023) về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; văn bản số 77/TCQLTT-CNV ngày 15/1/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng cục Quản lý đã thành lập các lực lượng trực tiếp giám sát tình hình cung ứng xăng dầu tại các địa phương kết hợp với kiểm tra công vụ, tình hình trực Tết của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong quá trình giám sát, kiểm tra, các đoàn công tác của lực lượng Quản lý thị trường đã tập trung trực tiếp giám sát tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu; trong đó, chú trọng giám sát việc chấp hành nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu, tại nhiều địa phương, lực lượng Quản lý thị trường còn phối hợp tuyên truyền, động viên các đơn vị kinh doanh mở cửa xuyên Tết để phục vụ cũng như đáp ứng nhu cầu mua xăng, dầu của người dân.

Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường cả nước cùng với các lực lượng chức năng khác đã bảo đảm cho sự ổn định của dòng chảy xăng dầu cả nước trong những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023. Các hiện tượng đóng cây xăng, “nghỉ” bán bất thường dù chỉ là cá biệt song đã được xử lý triệt để, không để tạo hiệu ứng “lây nhiễm” gây tác động xấu tới việc cung ứng xăng dầu trên cả nước như đã từng xảy ra trong các thời gian trước đây.

Đáng chú ý, việc kiểm tra, giám sát sẽ vẫn được tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục, ổn định; không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cũng như tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.

Có thể nói Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng như các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường đã được thực hiện nghiêm túc không chỉ trong thời gian trước mà cả trong và sau thời gian đón Tết, góp phần quan trọng bình ổn thị trường, tạo một hiệu ứng lành mạnh để thị trường đi vào hoạt động ổn định ngay từ những ngày đầu của năm mới.

Thực hiện nghiêm Công điện của Bộ trưởng về kiểm tra kinh doanh xăng dầu

Lực lượng Quản lý thị trường trực tiếp giám sát, kiểm tra công tác kinh doanh xăng dầu tại các địa phương (Ảnh: www.dms.gov.vn)

Rõ ràng thực tế của việc cung ứng xăng dầu trong thời gian trước, trong và ngay sau Tết Quý Mão đã cho thấy, cùng với các nỗ lực bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định tới tận tay các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, hoạt động giám sát, kiểm tra ráo riết, trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng khác là những điều kiện tiên quyết để thị trường xăng dầu, dòng chảy xăng dầu tuôn chảy lành mạnh, thực sự là “mạch máu” của nền kinh tế.

Xa hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát còn góp phần tạo tâm lý ổn định cho thị trường từ đó thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ổn định chỉ số CPI, tạo sự đồng thuận và tin tưởng của nhân dân vào sự điều hành của Chính phủ cũng như các các bộ hữu quan mà trực tiếp là Bộ Công Thương.

Sự vào cuộc quyết liệt cùng các nỗ lực của lực lượng quản lý Quản lý thị trường đã tạo hiệu ứng tích cực ngay từ đầu năm cho thị trường xăng dầu nói riêng cũng như thị trường hàng hoá nói chung. Nó cũng góp phần khẳng định trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh bàn tay “vô hình” của thị trường vẫn không thể thiếu đi bàn tay “hữu hình” của Nhà nước để thị trường thực sự phát huy những điểm mạnh và đóng góp vào ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: Báo Công Thương