Bạn đang ở đây

công nghiệp quốc phòng

Tiếng Việt

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, gắn kết trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia

 

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, gắn kết trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

 

Chiều 4/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và làm việc về hoạt động nghiên cứu sản xuất công nghệ cao của Viettel.

Tham dự buổi làm việc có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng đã tham quan các sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu do Viettel nghiên cứu và sản xuất gồm 3 lĩnh vực: Quân sự, hạ tầng viễn thông, sản phẩm dân sự.

Với mục tiêu nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao góp phần hiện đại hóa Quân đội và phát triển đất nước có công nghệ tiệm cận với các nước tiên tiến hàng đầu thế giới, Viettel đã đầu tư nghiên cứu sản xuất công nghệ cao từ năm 2010.

Đối với lĩnh vực quân sự, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội.

Trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, Viettel làm chủ toàn bộ hệ thống mạng 5G từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị truyền dẫn và mạng lõi. Đến nay, Viettel đã triển khai diện rộng đầy đủ các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G.

Đối với nhiệm vụ Thủ tướng giao vào tháng 8/2022 về việc nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, đến nay, tập đoàn đã hoàn thành nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm 2 dòng chip 5G.

Hiện nay, Viettel đang đứng vị trí số 1 về pháp nhân Việt Nam đăng ký và được cấp bằng sở hữu công nghiệp. Viettel đã được công nhận 18 sáng chế quốc tế (Mỹ), 80 sáng chế trong nước, 19 giải pháp hữu ích, 12 kiểu dáng.

Với chiến lược kết hợp quân sự và dân sự, Viettel đã tối ưu những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất, sau khi được triển khai cho quốc phòng sẽ được ứng dụng cho dân sự, tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh quốc tế.

Giải pháp lưỡng dụng này vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, quốc gia vừa giúp phát triển kinh tế đất nước. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng, tiến lên danh sách 60 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu vào năm 2030.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, gắn kết trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực, tự lực, tự cường của Viettel để đạt được những thành tựu trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đã cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị Viettel tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tầm nhìn và sứ mệnh của mình để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới.

Nguồn: congly.vn