Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột và là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Yên Bái. Là tỉnh miền núi với nhiều khó khăn, Yên Bái đã xác định để xây dựng nền kinh tế số cần xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức chung về lộ trình và thực hiện chuyển đổi sang kinh tế số.
Hình thức Livestream bán hàng được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh áp dụng đạt hiệu quả tốt.
Yên Bái đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức cho nhân dân với nhiều nội dung và hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, tổ chức tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức về các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công với công nghệ số…
Thông qua đó giúp các cơ sở sản xuất tự đánh giá lại phương pháp sản xuất kinh doanh (SXKD); đánh giá lại chuỗi giá trị, mô hình kết nối với khách hàng để tự chuyển đổi theo phương thức mới. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số cũng được triển khai tích cực.
Yên Bái đã xây dựng gian hàng "Made in Yên Bái” trên một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn; tổ chức tập huấn kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT đã hỗ trợ đưa gần 5.000 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn, trong đó có 100% sản phẩm OCOP của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành tổ chức chương trình "Ngày mua sắm online” thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển 15 mô hình chợ 4.0, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn tỉnh.
Hợp tác xã (HTX) Chế biến, kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương là một trong những đơn vị tiên phong trong CĐS và coi CĐS là sức mạnh để HTX cạnh tranh với vô vàn các đơn vị SXKD trên cả nước. Chị Đoàn Thị Lương - Giám đốc HTX chia sẻ: "Kinh doanh trên nền tảng số là tất yếu và phù hợp với thời đại hiện nay. Vì thế, chúng tôi rất tích cực trong việc tiếp thu các kiến thức về kinh doanh trên nền tảng số khi có bất cứ cuộc tập huấn, đào tạo nào về vấn đề này là tôi cũng đều tham gia. Qua những buổi tập huấn, tôi học được vô vàn những điều bổ ích, thiết thực, từ hướng dẫn cách lập kế hoạch, xây dựng kịch bản, vận hành tổ chức một hoạt động trình chiếu sản phẩm trên môi trường số cho đến đào tạo kỹ năng và hướng dẫn trực tiếp về cách thức bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên sàn TMĐT… Tôi cũng được thực hành tham gia một số phiên livestream bán hàng cùng các KOL (người có sức ảnh hưởng) để bày bán một số mặt hàng của chính mình và nông sản tiêu biểu của tỉnh”.
Hiện nay, HTX đã đăng ký gian hàng trên nhiều sàn TMĐT và thông qua nền tảng xã hội Facebook, TikTok để bày bán, tiêu thụ sản phẩm rộng rãi. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo thu nhập cho các thành viên từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, HTX liên kết, tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra cho đồng bào Mông 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải mỗi năm trên 100 tấn quả.
Với những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, các ngành chức năng và chủ thể SXKD, nền kinh tế số đang từng bước hiện hữu trên nhiều lĩnh vực. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ứng dụng các công nghệ như: tưới nước, bón phân tự động, điều chỉnh nhiệt độ… được xây dựng và ngày càng phổ biến.
Một số cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ máng ăn tự động, hệ thống nước uống tự động, quản lý, theo dõi chăn nuôi bằng camera. Thiết bị bay không người lái cũng bước đầu được ứng dụng trong chăm sóc quế đã giảm công lao động, nâng cao chất lượng, giá trị cho vùng nguyên liệu quế Yên Bái.
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bản đồ số hộ kinh doanh đã có dữ liệu của 19.000 hộ kinh doanh do cơ quan thuế lập bộ quản lý thuế. 6.725 hộ kinh doanh, đạt 81,3% nộp thuế qua App EtaxMobile. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng điện tử, nâng tỷ lệ người dân trưởng thành trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 82%.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch đã ứng dụng nhận diện sản phẩm thông qua mã vạch, mua sắm trực tuyến, sàn TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ thực tế ảo trải nghiệm các hoạt động du lịch. Một số địa phương đã triển khai các mô hình kinh tế số du lịch như: mô hình ứng dụng công nghệ số phục vụ phát triển du lịch tại xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu và xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; mô hình "Homestay số” tại huyện Mù Cang Chải…
Tất cả nỗ lực đó đã đưa tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh Yên Bái năm 2024 lên 14,5%, tăng 2,3% so với năm 2023. Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về CĐS và phát triển hạ tầng số; chú trọng thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh tế số, đặc biệt trong doanh nghiệp, nỗ lực hoàn thành mục tiêu kinh tế số chiếm 20,05% trong GRDP vào năm 2025.
Theo Báo Yên Bái