Ngày 26/9, UBND tỉnh Yên Bái chủ trì phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Yên Bái năm 2023. Tham dự hội thảo có đồng chí Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các thành viên Ban Chỉ đạo PCI tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, Liên minh HTX và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái.
Quang cảnh hội thảo
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Yên Bái đã có nhiều cải thiện, đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ trong thực thi chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Từ đầu năm đến nay có 248 doanh nghiệp (DN) và 75 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, nâng tổng số DN, HTX toàn tỉnh lên 3.173 DN và 715 HTX. Toàn tỉnh hiện có 616 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 88.000 tỷ đồng và 506 triệu USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn như phần lớn các dự án đầu tư trong nước có quy mô nhỏ; tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh đã chậm lại so với giai đoạn trước. Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Yên Bái đã rất nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần, đưa chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từ vị trí thứ 46 lên vị trí thứ 33/63 tỉnh, thành.
Đồng chí Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư thông tin về tình hình triển khai chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động, xung đột Nga - Ukraine, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, đây là thời điểm lập quy hoạch tỉnh, cần đợi sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền; các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, tiếp cận đất đai của các dự án còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đạt 63,09 điểm, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành, giảm 18 bậc so với năm 2020.
Đến nay, quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã đi vào thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó một số luật được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh đã phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp. Qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm toàn tỉnh đạt 6,59%, đứng thứ 5 trong vùng và đứng thứ 23 cả nước.
Lãnh đạo Sở Công Thương Yên Bái chia sẻ về những khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu và đề xuất các các giải pháp tháo gỡ
Tại hội thảo, các đại biểu các ngành Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thành phố Yên Bái, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công tác chuyển đổi số góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh.
Chuyên gia của VCCI đã phân tích đánh giá chuyên sâu kết quả chỉ số PCI tỉnh Yên Bái, giới thiệu các mô hình, giải pháp của các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI và khuyến nghị một số vấn đề như: cần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính; chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh; cải thiện sự phối hợp giữa các ngành để giải quyết các thủ tục hành chính. Đặc biệt là phải giảm thiểu phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp; cắt giảm chi phí; nâng cao năng suất lao động và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một hành trình và phải được "tiếp sức" liên tục
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đặc biệt là tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, các chuyên gia, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung phát triển hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp... Hoàn thiện, ban hành đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, kế hoạch, quy định quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính toàn diện, trọng tâm là cắt giảm và đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan...Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của nhà nước chặt chẽ, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đào tạo nguồn nhân lực; đa dạng hóa các hình thức đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Yên Bái