Dự án chất lượng không khí do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, Đại học RMIT, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (Saigon Innovation Hub), Tổ chức môi trường Clean Air Asia khởi xướng và triển khai.
Với 13 thiết bị mới lắp đặt, tổng số trạm đo chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh hiện đã lên con số 18. Các trạm này cho phép người dùng có thể truy cập xem các chỉ số chất lượng không khí được đo bởi các thiết bị AQM qua ứng dụng điện thoại AirVisual. Dữ liệu thu thập được từ các trạm là nguồn thông tin hữu ích cho những nhà hoạch định chính sách, chính phủ, chuyên gia trong ngành và trường học, nhằm cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và xử lý chất thải, đồng thời cân nhắc đến các giải pháp môi trường khác.
Học sinh Trường THCS Thanh Đa , quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường |
Ông Nguyễn Hữu Nhân - giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam kiêm thành viên dự án AQM nói rằng, mục tiêu của việc lắp đặt các trạm đo chất lượng không khí nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm.
Theo ông Nhân, trẻ em được chọn làm đối tượng chính vì ô nhiễm không khí sẽ tác động lên các em trong quá trình các em lớn lên và để lại nhiều biến chứng sức khỏe sau này. Bằng việc lắp đặt các trạm đo chất lượng không khí ở trường học, chúng tôi cũng mong sẽ nâng cao nhận thức cho cả giáo viên và phụ huynh. Tác động tích cực của việc lắp đặt các máy đo chất lượng không khí thật sự nhân rộng đáng kể. Chẳng hạn, từ khi lắp đặt máy tại trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh, các em học sinh đã tích cực và chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường hơn, như phân loại và giảm thiểu rác thải, trồng cây, và đeo khẩu trang khi đi đường để hạn chế bụi và ô nhiễm.
Trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh đang phải tiếp xúc thụ động với bầu không khí ô nhiễm đáng báo động trên đường đến trường và về nhà mỗi ngày |
Theo một báo cáo về ô nhiễm không khí và sức khỏe trẻ em được xuất bản bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí tại TP. Hồ Chí Minh đã đến mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân với số ca mắc các bệnh như hen suyễn, lao phổi, viêm phổi và ung thư ngày càng tăng.
Nguồn: báo Công thương