Tỷ lệ nông sản chế biến thấp
Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Riêng năm trong hai năm 2018 và 2019 đã có 30 dự án lớn về chế biến nông lâm thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD đã khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành đi vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu duy trì sự tăng trưởng khá, xuất siêu ngày càng tăng đưa nông sản Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp chế biến “chìa khóa” nâng tầm giá trị nông sản |
Tuy đã có một số doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, nhưng sự phát triển của ngành chế biến nông sản của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số nút thắt tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, các mặt hàng rau quả, thịt khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm; mặt hàng mía đường, lúa gạo, cà phê, rau quả, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên gây ra tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Số cơ sở chế biến nông sản tập trung phát triển tại một số khu vực như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải ven biển còn các tỉnh miền núi, đặc biệt miền núi phía Bắc chưa có nhiều cơ sở chế biến.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,7 tỷ USD. Dù vậy, Việt Nam mới chủ yếu là xuất thô. Tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến đạt thấp chỉ khoảng 5 - 10%, trong đó, tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%.
Thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1.000.000 tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh/thành phố. Những địa phương có từ 10 doanh nghiệp trở lên là: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lâm Đồng và Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình như sấy khô hoa quả, sản xuất mứt hoa quả, dưa chuột muối,…
Số cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95% số cơ sở. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm, bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác. Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ kỹ lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực ngành hàng nhưng nhìn chung giao động từ 10 - 20%.
Nguyên nhân khiến công nghiệp chế biến trong nông nghiệp còn yếu và thiếu, các chuyên gia cho rằng mặc dù cơ chế chính sách đã ban hành trong hỗ trợ tương đối đầy đủ nhưng đổi mới chậm, hiệu quả chưa cao do tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính còn yếu. Hiện chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu lớn tham gia vào công nghiệp chế biến bởi đầu tư một nhà máy chế biến nông sản có dây chuyền hiện đại đòi hỏi kinh phí rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.
Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu”
Chính phủ đã “đặt hàng” với ngành nông nghiệp đến năm 2030 công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7 - 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao….
Để đạt được mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây được xem là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Cùng với đó, là đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế canh tranh cao.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định....
Ngày 21/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đặc biệt là việc thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp. Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đại diện một số viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Nguồn: Báo Công thương |