Trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp của nhân lực ngành du lịch còn hạn chế |
Theo số liệu thống kê, nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch, chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước, trong đó, khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch dự báo, đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở dịch vụ du lịch. Đáng lo ngại hơn, bà Đỗ Thị Hồng Xoan cho hay, mới chỉ 20% nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng được nhu cầu.
Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh - địa phương thu hút khách du lịch lớn trong cả nước, có 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch, nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Đó là chưa tính đến nguồn nhân lực ở các vị trí lao động gián tiếp, đặc biệt vị trí quản lý. Đáng chú ý, dù được đào tạo chính quy nhưng khi được tuyển dụng, hầu hết doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại mới đáp ứng được công việc. Qua tìm hiểu một số doanh nghiệp trong ngành du lịch - dịch vụ cho thấy, khó khăn lớn nhất doanh nghiệp vấp phải là nhân sự mới ra trường, thiếu tính kiên nhẫn, trình độ ngoại ngữ hạn chế, không muốn làm những công việc phổ thông, rất khó để phát triển nguồn nhân lực.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cảnh báo, việc thiếu nhân lực ngành du lịch cả về số lượng và chất lượng nếu không sớm khắc phục sẽ trở thành rào cản đối với ngành du lịch trong tương lai. Để khắc phục những bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tập trung nguồn lực xây dựng các chương trình đào tạo ở bậc đại học, sau đại học, Việt Nam nên có một hệ thống đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành du lịch mang tính linh hoạt hơn. Ngoài ra, cần có nhiều chương trình hợp tác kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tạo ra những chương trình thực tập, kiến tập bổ sung kiến thức thực tế cho sinh viên nhiều hơn, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho quá trình hội nhập của sinh viên khi làm việc tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập mạnh như hiện nay, nhân lực ngành du lịch cần nhạy bén hơn với mọi thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội; nhất thiết phải nâng cao trình độ ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy để giảng viên và đào tạo viên du lịch đủ khả năng tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn trực tiếp với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế và học tập, tu nghiệp ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khuyến khích, ưu đãi đầu tư giáo dục khối tư nhân, tạo cơ hội hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo... Đây là yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Thiếu nhân lực chất lượng cao đang là một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch. Điều này một phần giải thích tại sao năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 45% so với Malaysia và 40% so với Thái Lan, thấp hơn nhiều so với khu vực, dù quy mô của ngành đã tăng nhiều lần trong những năm gần đây. Nguồn: Báo Công thương |