Bạn đang ở đây

Tổng cục Du lịch: Yêu cầu siết chặt công tác quản lý nội dung thông tin, ấn phẩm quảng bá du lịch

21/10/2019 08:27:23

Theo đề nghị của Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động và ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, sử dụng các ấn phẩm quảng bá du lịch có yếu tố nước ngoài ảnh hưởng đến chủ quyền, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trường hợp các đơn vị để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

to ng cu c du li ch yeu cau siet chat cong tac quan ly noi dung thong tin an pham quang ba du lich
Tổng cục Du lịch vừa có văn bản yêu cầu Công ty lữ hành Saigontourist giải trình chi tiết, ghi rõ nguồn gốc, số lượng những ấn phẩm có hình "đường lưỡi bò"

Nội dung văn bản cho hay, thời gian vừa qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện doanh nghiệp lữ hành sử dụng các ấn phẩm quảng cáo du lịch do nước ngoài xuất bản có in hình ảnh đường chín đoạn hay còn gọi là "đường lưỡi bò" để giới thiệu tại các hội chợ du lịch, giới thiệu trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu mua tour.

Tổng cục Du lịch nhận định, đây là những ấn phẩm quảng bá hình ảnh phi pháp này mang nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam; là sự việc hết sức nghiêm trọng vi phạm luật Việt Nam.

Trước tình hình trên, Tổng cục Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành nội địa, quốc tế và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động du lịch nghiêm túc tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam về việc không sử dụng bản đồ, ấn phẩm, hình ảnh có in hình đường chín đoạn khi kinh doanh du lịch tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp chủ động rà soát các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch của các đơn vị mình, đảm bảo việc tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng bản đồ, ấn phẩm, không được để xảy ra sự cố mới khắc phục. Các đơn vị cần hạn chế sử dụng những ấn phẩm do nước ngoài xuất bản, trường hợp sử dụng doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi đến khách hàng.

Trong trường hợp phát hiện được các ấn phẩm có in hình đường chín đoạn các đơn vị phải ngay lập tức tiêu hủy và báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh khi tới trụ sở của Công ty lữ hành Saigontourist tìm hiểu chương trình du lịch nước ngoài đã được nhân viên của công ty giới thiệu chương trình đi Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn (Trung Quốc) để tham khảo. Tuy nhiên, khi giới thiệu, nhân viên của công ty đã sử dụng cẩm nang quảng bá tour du lịch của Trung Quốc có hình ảnh "đường lưỡi bò" để giới thiệu.

Theo đại diện Saigontourist cho biết, tại Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ chí Minh (ITE HCMC 2019) diễn ra đầu tháng 9/2019, công ty này có tiếp một đối tác phía Trung Quốc là Công ty Trung Thế, đơn vị này đã gửi một số quyển cẩm nang thông tin về danh thắng này để khách du lịch tham khảo. Do nhân viên của công ty kiểm tra không kỹ, chỉ nghĩ đây là thông tin giới thiệu về Trương Gia Giới nên đã để ở quầy hướng dẫn để khách cần thì tìm hiểu thông tin.

Trước sự việc, cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ 6 ấn phẩm nói trên và yêu cầu công ty phải thu hồi toàn bộ số cẩm nang đã phát cho khách. Thanh tra Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Saigontourist cung cấp đầy đủ các hợp đồng với phía công ty Trung Quốc cũng như giải trình chi tiết về việc nhận số cẩm nang này như thế nào, số lượng bao nhiêu quyển...

Tổng cục Du lịch cũng đã gửi văn bản yêu cầu Công ty lữ hành Saigontourist giải trình với thông tin sử dụng ấn phẩm có “đường lưỡi bò” giới thiệu cho du khách. Đồng thời, yêu cầu Công ty lữ hành Saigontourist giải trình chi tiết, ghi rõ nguồn gốc, số lượng những ấn phẩm này, báo cáo về Tổng cục Du lịch sớm nhất.

Được biết, ITE HCMC 2019 diễn ra từ ngày 5 đến 7/9 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (quận 7) với chủ đề Cửa ngõ du lịch châu Á. Đây là sự kiện du lịch thường niên của ngành du lịch Việt Nam thu hút hàng chục nghìn khách thương mại và công chúng tham quan, tìm hiểu. Đây là lần thứ 15 hội chợ diễn ra, trở thành sự kiện du lịch lớn và lâu nhất tại Việt Nam và tiểu vùng sông Mê Kông.

Nguồn: báo Công thương