Bạn đang ở đây

Nhân lực ngành du lịch: Thiếu và yếu

08/08/2019 09:19:31

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) cho thấy, với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…) trong ngành ước tính cần 620.000 người và đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành du lịch tăng lên khoảng 870.000 lao động trực tiếp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 là 7,0%/năm.

Hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 71 trường trung cấp.

nhan luc nganh du lich thieu va yeu
Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước thách thức thiếu nhân lực trầm trọng

Ông Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng Trường đại học Văn Hiến - cho biết: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, du lịch chiếm vị trí hàng đầu trong thương mại toàn cầu, được coi là ngành xuất khẩu và tạo việc làm lớn nhất thế giới.

“Những năm gần đây, ngành du lịch nước ta đã thu hút hàng chục triệu du khách khắp nơi trên thế giới, nhanh chóng nâng cao tỷ trọng thu nhập trong GDP của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” - ông Thiện chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ về nhiều mặt, nổi bật trong đó là vấn đề về “Xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Mặc dù ngành du lịch đã có những cố gắng huy động cộng đồng, các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung ngành du lịch vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới của nền kinh tế đất nước và hội nhập toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel - một trong những nút thắt cần được mở khóa đề ngành du lịch cất cánh chính là chất lượng nguồn nhân lực. Ông Kỳ cho biết, sinh viên ra trường được doanh nghiệp ông tuyển vào phải qua đào tạo lại 6 tháng mới làm được việc, và để lành nghề thì phải mất một năm. Để tránh gây lãng phí lớn nguồn lực, ông Kỳ cho rằng cần phải quy chuẩn lại khung đào tạo từ cao đến thấp, trước tiên nên rà soát các chương trình đào tạo từ cấp đại học trở xuống theo yêu cầu và dần chuyển đổi, cải tiến để đầu ra đủ sức cạnh tranh trong môi trường nhân lực quốc tế. So với yêu cầu của thị trường và thực tế đào tạo hiện nay, các chương trình cần đi sâu vào kỹ năng ngoại ngữ, định hướng đào tạo hướng vào ba cấp chính gồm quản lý, cấp doanh nghiệp và cấp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - nhận định, ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Là địa phương chiếm tới 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam (số liệu năm 2018) nhưng nhân lực ngành du lịch thành phố có sự lệch pha mạnh giữa cung - cầu. “Tại TP. Hồ Chí Minh có đến 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch, trong đó trường 18 đại học có đào tạo ngành du lịch, 21 cao đẳng/cao đẳng nghề và 24 trung cấp nghề/trung học chuyên nghiệp, thế nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu. Đó là chưa tính đến nguồn nhân lực ở các vị trí lao động gián tiếp, đặc biệt ở các vị trí quản lý”, ông Vũ cho hay.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, thế nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường mỗi năm chỉ có khoảng 15.000 người, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Điều đáng nói là dù được đào tạo chính quy ở các cơ sở đào tạo nhưng khi được tuyển dụng vào làm việc, hầu hết doanh nghiệp đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ… gây lãng phí rất lớn cho xã hội.