Bạn đang ở đây

Hợp tác quốc tế trong du lịch phải gắn với định hướng thị trường

02/08/2019 09:08:05

Tổng cục Du lịch cho biết thêm, các hoạt động hợp tác quốc tế còn được xác định với chủ trương là chú trọng các thị trường trọng điểm và tiềm năng du lịch Việt Nam, theo đó, năm 2018 công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch đã được triển khai cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

hop tac quoc te trong du lich phai gan voi dinh huong thi truong
Những nỗ lực trong hợp tác quốc tế đã góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch tới Việt Nam từ nhiều thị trường

Thời gian qua, theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác trong ASEAN, tiểu vùng Mê Kông mở rộng thông qua việc tham dự các diễn đàn du lịch, các hoạt động, chương trình trong khuôn khổ hợp tác của khu vực; đồng thời mở rộng hợp tác trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bằng việc tham dự Hội nghị Bộ trưởng và Họp nhóm công tác du lịch APEC, đề xuất ưu tiên hợp tác du lịch trong khu vực và dự án du lịch thông minh do Việt Nam điều phối. Đồng thời, Việt Nam còn không ngừng tham gia xây dựng các cam kết khung cho các vấn đề chuyên môn sâu liên quan đến du lịch trong các khuôn khổ đa phương.

Về hợp tác song phương, Việt Nam tập trung vào các thị trường nguồn ASEAN, Đông Bắc Á và Tây Âu. Trong đó, Việt Nam đã ký kết 3 thỏa thuận hợp tác quốc tế với Nhật Bản và Pháp, nâng số điều ước quốc tế du lịch Việt Nam đã ký kết và tham gia lên 98, tiếp tục tạo điều kiện và cơ sở pháp lý tăng cường hợp tác với các đối tác trong thời gian tới.

Nhiều hoạt động hợp tác song phương đáng chú ý như: Triển khai Hiệp định đã ký với Trung Quốc về hợp tác khai thác du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên; hỗ trợ tổ chức đoàn hữu nghị Italia – Việt Nam vùng Veneto sang khảo sát tại Việt Nam; Hỗ trợ Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản tổ chức Ngày hội du lịch Nhật Bản tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn mở rộng hợp tác để tìm hiểu, khai thác một số thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ thông qua các hoạt động trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch liên quan văn hóa vùng trồng cà phê Colombia, phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch với Maroc.

Bên cạnh hợp tác xúc tiến các thị trường, theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, như hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực cho du lịch Việt Nam với các đối tác như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Phối hợp với Bộ Công an dự thảo báo cáo tổng kết và tiếp tục đề xuất chính sách thị thực tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, mở rộng danh sách các nước được áp dụng e-visa đến Việt Nam.

Những nỗ lực thúc đẩy trong hợp tác quốc tế đã thu về những “trái ngọt” đầy ấn tượng đó là tốc độ tăng trưởng khách du lịch được duy trì, đặc biệt năm 2018 Việt Nam đã đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế; 10 thị trường nguồn hàng đầu đạt hơn 12 triệu lượt, chiếm 83% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Riêng các thị trường khu vực Đông Bắc Á tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng lượng khách đến Việt Nam. Tổng thu từ khách du lịch đạt 630 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 383 nghìn tỷ đồng, đưa đóng góp của du lịch vào nền kinh tế (GDP) đạt khoảng 15,86%.

Dự báo năm 2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn so với mức tăng của năm 2018 do bối cảnh, xu hướng quốc tế và lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt quy mô lớn hơn thời kỳ trước. Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất; thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Úc, Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng tích cực; thị trường Tây Âu, Mỹ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Với những kết quả nổi bật đạt được và dự báo tăng trưởng khách du lịch trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục nhưng không mạnh mẽ như trước, các nước trong khu vực cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các chính sách đầu tư xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, kết nối hàng không, thị thực… thời gian tới, đại diện Tổng cục Du lịch - cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương và song phương nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng hình ảnh và chính sách về du lịch Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới, thông qua đó nhằm duy trì và mở rộng thêm nhiều thị trường mới cho du lịch Việt Nam.