Bạn đang ở đây

Khó khăn khi triển khai thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại Hà Nội

16/05/2019 08:49:56

Nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019, chiều nay (9/5), Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và Báo Hà nội mới tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát".

Năm 2018 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai triển khai thực hiện mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát. Phường Dịch Vọng Hậu chọn phố Duy Tân làm tuyến phố thí điểm trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tại đây tập trung 35 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng hơn 5.000 lượt khách/ngày. Sau gần 4 tháng triển khai công tác chuẩn bị (từ cuối tháng 5/2018), UBND phường đã tổ chức gắn biển Tuyến phố ATTP có kiểm soát. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các cửa hàng ở tuyến phố đều đã được kiểm soát đảm bảo 10 tiêu chí về ATTP theo quy định. Kể từ khi tuyến phố Duy Tân được chọn triển khai thí điểm xây dựng “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, những người bán hàng ở đây đã thay đổi nhận thức trong hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm: Khu chế biến, khu bảo quản thực phẩm chín, sống được tách riêng. Quá trình nhập nguyên liệu, chế biến thực phẩm và sau chế biến được ghi chép hằng ngày.

Theo bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), trong quá trình triển khai thực hiện mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát, thời gian đầu phường cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, một số chủ cơ sở còn chưa ủng hộ việc tham gia xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát do thói quen kinh doanh từ lâu nay chủ yếu là giao dịch miệng với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, không có đầy đủ hóa đơn chứng từ, sổ sách theo dõi theo đúng quy định; một số cơ sở kinh doanh thường xuyên đổi chủ, chuyển địa điểm; một số hộ kinh doanh chưa bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều,… Bên cạnh đó, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thực phẩm…

kho khan khi thi diem trien khai tuyen pho an toan thuc pham co kiem soat tai ha noi
Hà Nội: Nhiều khó khăn trong việc thí điểm triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát

Thực tế, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 8 quận, huyện cho thấy, cơ quan chức năng đang gặp phải nhiều khó khăn. Ông Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội - cho biết, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được cải thiện điều kiện cơ sở vật chất. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở kinh doanh phải đi thuê địa điểm và sự hợp tác của chủ nhà chưa cao. Sự đầu tư của một số cơ sở về trang thiết bị, dụng cụ còn hạn chế, như: bàn ghế chưa đồng bộ, còn sử dụng bàn ghế nhựa chưa phù hợp. Nguyên liệu chế biến thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chưa rõ nguồn gốc. Việc cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên, việc ghi chép vào sổ nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ. Tuy nhiên, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng. Một số cơ sở kinh doanh vào buổi tối và đêm; một số cơ sở kinh doanh thay đổi liên tục do đóng cửa hoặc khai trương mới, đổi chủ kinh doanh...

Vấn đề ATTP chưa kiểm soát hiệu quả, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Vấn đề phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc cho các cơ quan quản lý và xã hội. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh, ATTP của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao…

Để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, các đại biểu tại Tọa đàm cho rằng, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về ATTP, nhân rộng các mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát là việc cần thiết.

Để việc triển khai, duy trì và nhân rộng các tuyến phố ATTP có kiểm soát được hiệu quả cao nhất, bà Trần Thị Thu Hương cho rằng, cần phát huy vai trò tích cực của báo chí trong đưa tin về các cơ sở thực hiện tốt ATTP, các cơ sở vi phạm. Bà Hương cũng kiến nghị Thành phố cần tăng cường kinh phí, trang thiết bị xét nghiệm nhanh. Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm hơn tới việc tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác ATTP ở tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Trong các điều kiện để một tuyến phố được gọi là ATTP có kiểm soát thì điều kiện đầu tiên đó là tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ triệt để các quy định ATTP, và đã có trên 20 cơ sở trở lên được chính quyền treo biển tuyến phố ATTP có kiểm soát. Năm 2019 tiếp tục triển khai 14 tuyến phố ATTP tại 12 quận, huyện; nâng cao chất lượng bếp ăn tập thể; triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.

Nguồn: báo Công thương