Bạn đang ở đây

Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững

17/04/2025 10:53:13

 

Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng theo hướng xanh, bền vững để hiện thực hóa mục tiêu phát triển quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hành trình hướng tới chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững không thể thiếu yếu tố con người. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hành trình hướng tới chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững không thể thiếu yếu tố con người. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Hiện nay, phát triển bền vững là xu hướng, tiến trình chủ đạo và là đòi hỏi tất yếu trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, tình trạng bất bình đẳng.

Không nằm ngoài xu thế chung đó, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng theo hướng xanh, bền vững để hiện thực hóa mục tiêu phát triển quốc gia, đồng thời đạt được cam kết với quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Để đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững ở Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp đổi mới sáng tạo then chốt sau đây:

Thứ nhất, chú trọng đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Công nghệ được coi là chìa khóa mở cánh cửa và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững. Chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra những công nghệ mang tính cách mạng. Ví dụ, năng lượng mặt trời và gió đã đạt được những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng và tối ưu hóa lưu trữ năng lượng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số, lưới điện thông minh, hệ thống điều độ, hệ thông pin lưu trữ năng lượng (BESS), năng lượng mới như hydrogen, amoniac... đang trở thành xu hướng mới, giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí. Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo trong công nghệ thực sự phát triển, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, bao gồm ưu đãi tài chính và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng kiến đột phá. Tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, Việt Nam cần chú trọng và thúc đẩy chương trình nội địa hóa, công nghiệp hỗ trợ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ, sản xuất thiết bị.

Việc quản lý nhu cầu và sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm được coi là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu để hướng tới một ngành năng lượng bền vững. Năng lượng đóng vai trò sống còn trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng không hiệu quả là nguyên nhân gây ra lãng phí lớn và tăng áp lực lên hệ thống năng lượng quốc gia. Quản lý nhu cầu và sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ giảm thiểu lãng phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Lễ phát động toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất 2025. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Theo đó, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qua, chúng ta cần phải có các giải pháp về: Quản lý nhu cầu năng lượng thông minh; ban hành tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà, các công trình xây dựng, các thiết bị, sản phẩm tiêu dùng năng lượng; nâng cao hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành tiêu thụ năng lượng lớn như xi măng, sắt thép, hóa chất...; chuyển đổi giao thông vận tải sang sử dụng năng lượng sạch; quan tâm đến việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Giải pháp điện hóa các ngành kinh tế được coi là xu hướng tất yếu cho phát triển bền vững, bởi đây không chỉ là biện pháp cắt giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là quá trình chuyển đổi các hoạt động sản xuất và tiêu dùng từ việc sử dụng nhiên liệu truyền thống sang năng lượng điện, năng lượng sạch và tái tạo.

Việc điện hóa các ngành kinh tế có thể được thực hiện trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực giao thông vận tải bằng việc sử dụng các phương tiện giao thông điện, lĩnh vực các toàn nhà và dân dụng... Giải pháp về lưu trữ năng lượng điện sẽ làm tăng tính ổn định cho hệ thống điện, đảm bảo nguồn cung liên tục cho các ngành đã được điện hóa.

Bên cạnh đó, việc thu hồi, sử dụng và lưu giữ carbon (CCUS) là công nghệ tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính rất tiềm năng đối với ngành năng lượng. CCUS không chỉ góp phần duy trì việc huy động các nguồn năng lượng hóa thạch mà vẫn đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cho đến khi đóng cửa mà còn hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia nền kinh tế tuần hoàn của ngành năng lượng.

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình hợp tác công-tư (PPP), tạo động lực mở rộng quy mô và tăng tốc chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.

Chuyển đổi năng lượng không thể đạt được nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng của chính phủ hoặc khu vực tư nhân. Hợp tác PPP là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững. Chính phủ có thể đóng vai trò định hướng chính sách, tạo hành lang pháp lý, thiết lập các mục tiêu quốc gia rõ ràng. Trong khi đó, khu vực tư nhân có thể mang đến những nguồn lực tài chính khổng lồ, cùng với sự linh hoạt và sáng tạo trong triển khai các dự án. Một ý tưởng đột phá là việc thành lập các quỹ đầu tư chung giữa Chính phủ và doanh nghiệp để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, đặc biệt tại các khu vực đang phát triển.

Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững đòi hỏi sự kết hợp của việc phát huy tối đa nội lực quốc gia và sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế. Thông qua các cơ chế, sáng kiến hợp tác quốc tế như P4G, Việt Nam đã, đang và sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm và tiếp cận nguồn tài chính toàn cầu để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Đây là minh chứng rõ ràng rằng, chỉ khi chúng ta kết hợp, huy động mọi nguồn lực, chia sẻ rủi ro, thì mới có thể triển khai những dự án quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về thời gian và hiệu quả.

Thứ ba, lấy con người làm trung tâm để xây dựng một tương lai công bằng và hòa nhập.

Hành trình hướng tới chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững không thể thiếu yếu tố con người. Chuyển đổi năng lượng bền vững không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ, mà còn là một cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo và bị thiệt thòi.

Trang trại điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam. (Nguồn: VUSTA)

Để quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra hiệu quả và bền vững, cần có những chính sách đảm bảo giá cả hợp lý và hỗ trợ tài chính cho những nhóm dân cư yếu thế. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của năng lượng bền vững và khuyến khích sự tham gia của họ vào các dự án năng lượng tái tạo địa phương. Đây là cách để chuyển đổi năng lượng mang lại lợi ích môi trường, đảm bảo sự công bằng và hòa nhập xã hội.

Việt Nam có nhiều nỗ lực để bảo đảm rằng các giải pháp chuyển đổi năng lượng không chỉ phục vụ cho các đô thị lớn mà còn tới được các vùng sâu, vùng xa. Các dự án điện mặt trời trên mái nhà tại các hộ gia đình và vùng nông thôn đã giúp hàng trăm ngàn hộ dân cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc sử dụng năng lượng mặt trời tại các trường học, trạm y tế vùng khó khăn giúp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của năng lượng sạch.

Tựu trung lại, chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững không chỉ là một mục tiêu mà còn là cơ hội để các quốc gia (trong đó có Việt Nam) định hình tương lai phát triển bền vững. Với sự kết hợp giữa đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến và chính sách hỗ trợ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực năng lượng xanh của khu vực và thế giới. Quá trình chuyển đổi ngành năng lượng luôn đòi hỏi sự hài hòa trong phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, hướng tới một tương lai xanh, bền vững và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Nguyễn Hồng Diên

Theo CTTĐT Báo Mới