Bạn đang ở đây

OCOP nâng tầm nông sản

19/01/2023 15:16:29

Sau 4 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả, thành công và trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đặc biệt, qua chương trình OCOP, các sản vật của Yên Bái được “chắp cánh bay xa”…

Các sản phẩm OCOP của Yên Bái được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Các sản phẩm OCOP của Yên Bái được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Mật ong Mù Cang Chải là đặc sản quý giá của núi rừng đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng từ lâu. Tại những bản làng người Mông các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, Lao Chải, Nậm Có, Khao Mang, La Pán Tẩn… có khoảng trên 12.000 đàn ong với sản lượng mật trên 80.000 lít/năm. Để đưa sản phẩm này đến với người tiêu dùng luôn là trăn trở của chính quyền các cấp cũng như người dân. 

Là người gắn bó với nghề nuôi ong từ lâu, năm 2018 anh Nguyễn Văn Toản thành lập Hợp tác xã (HTX) Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải để xây dựng sản phẩm mật ong Mù Cang Chải thành OCOP. Khi chúng tôi đến HTX, cũng là lúc anh Toản vừa mới đầu tư máy hạ thủy phần là loại máy tách nước từ mật ong.

Giới thiệu về dòng mật ngọt sánh đặc, tỏa mùi thơm đặc trưng của muôn loài hoa trên vùng núi cao, anh Toản chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi đã sản xuất ra sản phẩm rất chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Chương trình OCOP như "chắp thêm cánh” để HTX nâng tầm thương hiệu, hoàn thiện quy trình sản xuất. Hiện, sản phẩm mật ong hoa tự nhiên của Mù Cang Chải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng như đạt chuẩn OCOP. Đây là tấm vé thông hành để đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng. Hiện, sản phẩm của chúng tôi được bán khắp nơi: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng…”. 

Không chỉ nâng tầm giá trị sản phẩm, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Huyện Văn Yên là địa phương có vùng chuyên canh quế lớn nhất, nhì cả nước và cây quế đã gắn liền với cuộc sống của người Dao. 

Để khai thác tối đa giá trị của loại cây này, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển đa dạng các sản phẩm từ quế. Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp, HTX nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ quế. 

Bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát chia sẻ: "Đơn vị đã đưa vào thị trường 5 sản phẩm OCOP gồm: nước rửa chén tinh dầu quế; nước lau sàn tinh dầu quế; trà quế; Quế Phát hương quế Văn Yên, Quế Phát tinh dầu quế. Các sản phẩm này đều tích các câu chuyện phong phú được ứng dụng triệt để trong lịch sử văn hóa dân tộc Dao để quảng bá giá trị văn hóa quê hương. Khi đạt chuẩn OCOP đưa ra thị trường người tiêu dùng dễ nhận diện hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao”. 

Đến hết năm 2021, tỉnh đã có 138 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; trong đó, có 20 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh và trong số đó còn có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP của tỉnh đã lan tỏa, huy động được nhiều chủ thể tham gia; trong đó, có 86 chủ thể có sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. 

Năm 2022, toàn tỉnh có 35 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, 33 sản phẩm 3 sao. Lũy kế hết năm 2022 toàn tỉnh có 173 sản phẩm OCOP được xếp hạng; trong đó có 22 sản phẩm 4 sao. Sau khi tham gia Chương trình OCOP các chủ thể trên địa bàn đã chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bao bì nhãn mác đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. 

Nhiều sản phẩm sau khi được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được hỗ trợ từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại tại các địa phương: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Ngoài ra, các chủ thể đã chủ động trong việc xây dựng hệ thống bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh. 

Một số sản phẩm OCOP đã đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tại các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Lai Châu...; đưa lên các sàn thương mại điện tử: Voso, Postmart. Các sản phẩm như bưởi Đại Minh, chè Bát Tiên Bảo Hưng, trà Tuyết Sơn Trà, gạo Séng cù, quế điếu thuốc, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, lạc ri vỏ đỏ, miến đao... đang là những sản phẩm làm nên "thương hiệu" OCOP Yên Bái. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất, doanh thu. 

Kết quả đánh giá của các đơn vị cấp huyện cho thấy, 80,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 15%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho hay: Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. 

Cụ thể, đã góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. 

Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Thời gian tới, Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Bên cạnh những giải pháp về tuyên truyền, nâng cao năng lực trong tổ chức triển khai chương trình, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. 

Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. 

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế. Đặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các "điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan