Bạn đang ở đây

Yên Bái: Xuất khẩu vượt khó cán đích

30/12/2022 08:01:28

YênBái - Năm 2022, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng số một của đại đa số các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu; các thị trường như: EU, Nhật Bản… thời gian qua suy giảm tương đối về sức mua.

Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.

Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.

Năm 2022, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng số một của đại đa số các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu; các thị trường như: EU, Nhật Bản… thời gian qua suy giảm tương đối về sức mua.

Ngoài ra, xung đột quân sự trên thế giới diễn ra khiến chuỗi cung ứng trên thị trường tiếp tục bị đứt gãy, kéo theo nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, nhất là với các nguyên, vật liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. 

Tuy nhiên, năm 2022, giá trị xuất khẩu của Yên Bái vẫn ước đạt 297,3 triệu USD, tăng 6% so kế hoạch (tương đương 17,3 triệu USD), tăng 31% so với cùng kỳ (tương đương 71 triệu USD). Trong đó, nhóm nông - lâm sản, chế biến, đạt 109,69 triệu USD; nhóm công nghiệp và chế biến khoáng sản đạt 86,15 triệu USD; nhóm sản phẩm may mặc đạt 66,76 triệu USD; nhóm sản phẩm hạt nhựa, chất dẻo đạt 34,92 triệu USD. 

Qua các số liệu trên cho thấy, năm 2022 giá trị xuất khẩu toàn tỉnh tăng mạnh nhất ở nhóm nông - lâm sản chế biến (tăng 271% so cùng kỳ), nhóm chế biến khoáng sản tăng trưởng đều, nhóm may mặc giảm nhẹ. Riêng nhóm hàng hạt nhựa, chất dẻo giảm so cùng kỳ do một số sản phẩm nhựa và bao bì (thành phần chủ yếu từ bột đá) là sản phẩm mới vừa sản xuất vừa tìm thị trường xuất khẩu và thị trường chính của sản phẩm này chủ yếu là Trung Quốc nên xuất khẩu không ổn định. 

Mặt hàng gỗ xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh so với năm 2021, do 2 doanh nghiệp xuất khẩu tủ bếp gỗ sang thị trường Mỹ là Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư Lâm Phong và Công ty TNHH Tủ bếp Cao Tiệp Việt Nam (doanh thu của 2 doanh nghiệp này chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh). Vì vậy, tỷ trọng nhóm hàng nông - lâm sản chế biến tăng 279% so cùng kỳ.

Xã viên Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên kiểm tra công đoạn sấy quế. 

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đạt được kết quả trên, phải kể đến khả năng thích nghi, nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN. Cùng đó, ngành công thương Yên Bái đã tham mưu xây dựng kế hoạch hành động chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. 

Mặt khác, ngành công thương Yên Bái còn tổ chức hướng dẫn, thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đảm bảo đúng quy định, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN về thủ tục hải quan, thông tin thị trường xuất khẩu; báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và một số thị trường theo yêu cầu của UBND tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 80 DN hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ... và hơn 30 thị trường khác.

Dự báo kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu còn khó khăn kéo dài sang năm 2023. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột trên thế giới; tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các nước lớn, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn. 

Tuy nhiên, vẫn có thị trường tại khu vực ít bị suy thoái kinh tế tác động như Trung Đông hay thị trường có sức mua lớn là Trung Quốc đang dần nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19… nên mở ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu hàng hóa, nhất là các lĩnh vực nông - lâm, thủy hải sản. Vì vậy, ngành công thương khuyến cáo thời gian tới, các DN xuất khẩu nên lưu ý khai thác các thị trường có dấu hiệu tích cực về sức mua này. 

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cần phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới; chú trọng ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu. 

Tiếp tục khai thác hiệu quả các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế; trong đó, ngoài các thị trường truyền thống cần tập trung phát triển thêm các thị trường có tiềm năng như thị trường châu Âu. 

Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất, nhập khẩu để chủ động dự báo và kịp thời thông tin chính sách, quy định mới của các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, giúp DN xuất khẩu của tỉnh không bị động, có phản ứng kịp thời. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các DN phát triển các mặt hàng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; thúc đẩy phát triển các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Tiếp tục phát triển hạ tầng logistics phù hợp với quy hoạch ngành, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu… 

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan