Bạn đang ở đây

Yên Bái xuất khẩu tăng, nhưng “giảm tốc”

19/08/2022 09:49:04

YênBái - Sau những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, hơn nửa đầu năm 2022, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự hồi phục, tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, tác động do giá cả và diễn biến của thế giới, lo ngại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) sẽ dần chậm lại vào những tháng cuối năm.

May mặc là nhóm hàng đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của tỉnh.

  Những tháng đầu năm 2022, tác động của dịch Covid-19, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu và giá cước vận tải tăng; xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và sự phục hồi của hoạt động thương mại, XK. 

 

Bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tỉnh và ngành công thương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì, cũng như đẩy mạnh giá trị XK hàng hóa của địa phương. 

 

Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) và thương mại điện tử (TMĐT) nhằm ổn định và phát triển thị trường nước ngoài truyền thống, hướng tới các thị trường tiềm năng như: Liên minh Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

 

Nhờ đó, kim ngạch XK hơn nửa đầu năm 2022 tiếp tục có sự hồi phục, tăng trưởng. Tuy nhiên, so với tháng trước, tốc độ tăng trưởng trong tháng 7 đã đã chậm lại. Theo Sở Công Thương, kim ngạch XK hàng hóa trong tháng 7/2022 đạt 25,7 triệu USD, giảm 11% so với tháng 6 tương đương 2,9 triệu USD. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước kim ngạch XK trong tháng 7 vẫn tăng  52%, tương đương 8,79 triệu USD. 

 

Tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị XK hàng hóa của tỉnh ước đạt trên 171 triệu USD, tăng 13% so kế hoạch (tương đương 17 triệu USD), tăng 49% so với cùng kỳ (tương đương 56,08 triệu USD). Điểm sáng trong XK phải kể đến nhóm hàng nông lâm sản chế biến với giá trị XK đạt 56,08 triệu USD; trong đó, ghi nhận sự đóng góp lớn của một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An Việt Nam 12,1 triệu USD, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lâm Phong 15 triệu USD, Chi nhánh Công ty TNHH Wood Industry Yên Bái 10 triệu USD, Công ty TNHH Tủ bếp Cao Tiệp Việt Nam 5,5 triệu USD. 

 

Cùng đóng góp lớn vào thị phần XK, phải kể đến nhóm hàng công nghiệp và chế biến khoáng sản khi đã mang về trên 49,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 28,8%, tăng 133% so với cùng kỳ, tương đương 12,33 triệu USD. Kế tiếp là nhóm sản phẩm may mặc, với giá trị XK đạt trên 35 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,5%, tăng 117% so với cùng kỳ, tương đương với 5,26 triệu USD. 

 

Tuy nhiên, dù kim ngạch XK đạt mức tăng trưởng khá, nhưng do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dịch bệnh... đã gây rất nhiều khó khăn hơn cho sự ổn định của cả nền kinh tế thế giới và kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ sụt giảm; dẫn đến, một số mặt hàng chưa đóng góp nhiều vào hoạt động XK, đạt giá trị XK thấp so với kế hoạch và ngành bị tác động hơn cả là nhóm hàng hạt nhựa, chất dẻo. 

 

Cụ thể, tính riêng tháng 7, nhóm hàng này giảm 56% so với cùng kỳ, tương đương 3,92 triệu USD và lũy kế 7 tháng đầu năm, nhóm hàng này mới đạt giá trị XK 22,428 triệu UDS, chiếm 13,1% tỷ trọng XK của tỉnh, giảm 45% so với cùng kỳ tương đương với 18,22 triệu USD. 

 

Không chỉ đầu ra gặp khó, các DN XK còn đối mặt với chi phí đầu vào tăng quá cao, nhất là chi phí vận chuyển cả đường bộ và đường biển đều tăng lên nhiều so với trước. Các DN XK may mặc cũng đối mặt với nhiều thách thức, nên từ đầu năm tới nay dù tăng trưởng khá nhưng chi phí quá cao, bất lợi về tỷ giá khiến giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ. 

 

Trước thực trạng trên, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch XK đạt trên 280 triệu USD, với vai trò quản lý nhà nước, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh XK, nhất là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. 

 

Trong đó, tiếp tục phối hợp các sở, ngành hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia các sàn giao dịch TMĐT; các chương trình hội nghị trong nước, quốc tế để quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP, đặc sản, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. 

 

Đẩy mạnh các hoạt động XTTM, TMĐT, hỗ trợ hướng dẫn các đơn vị, DN tham gia xây dựng gian hàng trực tuyến, sàn TMĐT của tỉnh và các sàn thương mại: Postmart, Voso, Sendo...; tập trung đẩy mạnh XK, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới… Tuy nhiên, bên cạnh đó, bản thân các DN cần tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Báo Yên Bái