Bên cạnh các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế của người nông dân đã giúp tỉnh Yên Bái xây dựng và từng bước mở rộng diện tích một số vùng nguyên liệu chủ lực đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính nhưng đầy tiềm năng.
Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên khai thác quế hữu cơ. |
Yên Bái là một trong những tỉnh có diện tích quế lớn trên cả nước với trên 80.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. 5 năm trở lại đây, phong trào trồng quế hữu cơ ngày càng được nhiều nông dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Ông Phạm Văn Hiếu ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên là một trong số đó.
Ông Hiếu chia sẻ: "Tôi trồng quế 20 năm nay rồi nhưng trước đây chủ yếu trồng bằng hạt, chọn giống theo kinh nghiệm, bón phân hóa học một cách ước lượng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh… nên có thời điểm, sản phẩm không được giá, đầu ra lại không ổn định, khác hẳn với bây giờ. Từ năm 2017, chúng tôi được được cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Việt Nam và cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng quế hữu cơ nên giờ diện tích quế của gia đình đã được chứng nhận hữu cơ. Sản phẩm được HTX bao tiêu với giá cao hơn từ 6 -10%”.
Sản xuất quế hữu cơ, những hộ như ông Hiếu đã biết cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm phân bón, sử dụng thảm thực vật để tạo độ ẩm, sự màu mỡ cho đất.
Việc làm cỏ cũng chỉ sử dụng máy phát hoặc các biện pháp thủ công, tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ. Với cách làm này, vùng nguyên liệu quế hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh dần được hình thành và ngày càng mở rộng với diện tích gần 15.000 ha, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Riêng HTX Quế hồi Việt Nam ban đầu thành lập chỉ có 1,5 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế thì đến nay, sau khi liên kết các hộ trồng quế theo đúng quy trình thì diện tích đã tăng lên hơn 600 ha. Quế thu mua về được phân loại, sơ chế thành 12 loại sản phẩm: tinh dầu quế, bột quế, quế điếu thuốc… để xuất khẩu tới Ấn Độ, các nước Trung Đông và một số thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản, EU… doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 30 tỷ đồng.
Không chỉ có quế, từ nhiều năm nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận; đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, HTX để sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp sản phẩm được bao tiêu ổn định. Từ đó, người dân lại càng mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, từ các vùng nguyên liệu này, đã tạo ra các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng, các sản phẩm từ gỗ rừng trồng… với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm, chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Cùng với hình thành những vùng sản xuất chuyên canh bảo đảm các tiêu chuẩn, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cũng được quan tâm triển khai để có những tấm vé thông hành, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản qua con đường chính ngạch.
Đến nay, tỉnh đã quản lý, giám sát đối với 40 MSVT xuất khẩu gồm: 37 MSVT xuất khẩu sản phẩm chè tại huyện Văn Chấn với diện tích 294 ha, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga, EU, Đài Loan, Uzberkistan, Belarus, Indonexia, Ấn Độ; 1 MSVT bưởi, với diện tích 19,7 ha tại huyện Yên Bình, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; 2 MSVT cây dó bầu, diện tích 60 ha tại huyện Văn Yên, thị trường xuất khẩu gồm Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tỉnh cũng đang trong quá trình hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ và cấp MSVT thảo quả với diện tích 501 ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đề nghị của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Yến sào Khánh Hòa tại xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.
Rõ ràng, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung bảo đảm chất lượng xuất khẩu gắn với MSVT xuất khẩu không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng, nâng cao vị thế, thị phần ngành nông - lâm sản Yên Bái nói riêng trên thị trường thế giới.
Hiện tại, tỉnh đã xây dựng được một số vùng nguyên liệu chất lượng cao: vùng rừng trồng nguyên liệu có diện tích lên tới 90.000 ha; trong đó, có khoảng 15.500 ha rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, trên 5.000 ha tre măng Bát độ, 1.200 ha chè Shan hữu cơ cùng hàng trăm héc - ta chè được canh tác theo hướng VietGAP, an toàn… |
Nguồn: Báo Yên Bái