Bạn đang ở đây

Yên Bái triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

20/02/2023 10:07:37

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3-1 và kết thúc ngày 15-3-2023. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Quốc Việt – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, những nội dung chính nào của dự án luật sẽ được coi là trọng tâm, trọng điểm đưa ra lấy ý kiến nhân dân, thưa đồng chí? 

Đồng chí Hoàng Quốc Việt: Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác. Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. 

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số vấn đề còn có nhiều vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần đưa ra để lấy ý kiến nhân dân. Những nội dung chính nào của dự án luật sẽ được coi là trọng tâm, trọng điểm đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm:

- Một số vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật lấy ý kiến về, gồm: 

(1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 

(2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 

(3) Phát triển quỹ đất; 

(4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 

(5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; 

(6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; 

(7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; 

(8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; 

(9) Hộ gia đình sử dụng đất.

- Các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến, cụ thể:  

+ Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài: 

(1) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

(2) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; 

(3) Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 

(4) Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;

(5) Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa;

(6) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; 

(7) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác:

(1) Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; 

(2) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; 

(3) Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; 

(4) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; 

(5) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; 

(6) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; 

(7) Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; 

(8) Chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.

+ Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: 

(1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; 

(2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; 

(3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 

(4) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; 

(5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; 

(6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất;

(7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất;

(8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm;

(9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; 

10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

+ Các chuyên gia, nhà khoa học:

(1) Phạm vi điều chỉnh; 

(2) Giải thích từ ngữ; 

(3) Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 

(4) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; 

(5) Chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; 

(6) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

Phóng viên: Một số nội dung liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, tái định cư hay vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; vấn đề giá đất, ghi tên thành viên gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Vậy quan điểm của ngành vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Việt: Các nội dung liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận là một trong các vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật Đất đai đang lấy ý kiến Nhân dân. Đối với quan điểm của ngành tài nguyên và môi trường thì đây là các vấn đề hết sức quan trọng nhằm hoàn thiện hanhg lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

(1) Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. 

Đồng thời, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Các quy định nêu trên thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

Để bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư hiện dự thảo Luật Đất đai đang xin ý kiến Nhân dân đối với các nội dung (1)  Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (2) Về việc lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (3) Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi, để đảm bảo về nội dung và tính khả thi của các quy định này.

(2) Về giá đất

Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại. 

Hiện dự thảo Luật Đất đai đang xin ý kiến nhân dân đối với các nội dung:

(1) về nguyên tắc, phương pháp định giá đất 

(2) thời kỳ ban hành bảng giá đất 

(3) các trường hợp áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

(4)  Về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận 

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 142 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất quy định thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện

Việc cấp giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất nhằm tránh tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

Phóng viên: Xin đồng chí có thể thông tin việc tiến hành lấy ý kiến nhân dân liên quan đến Dự án Luật đất đai (sửa đổi) đối với tỉnh Yên Bái đến nay đã thực hiện ra sao?

Đồng chí Hoàng Quốc Việt: Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Hiện tại Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 17/KH - TNMT ngày 18/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với mục tiêu huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, các sở, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao hiện nay các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các cấp đang triển khai việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều hình thức lấy ý kiến như:

(1)  Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến 

(2) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm áp dụng đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác; các chuyên gia, nhà khoa học. 

(3)  Góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (4) Thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường và các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã tham gia cuộc trao đổi!

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan