Bạn đang ở đây

Yên Bái: Tiếp sức cho công nghiệp chế biến gỗ

25/02/2021 09:42:08

Là vùng đất có thế mạnh về lâm nghiệp, thời gian qua, ngành Công Thương và nhiều doanh nghiệp (DN) ở Yên Bái đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường cho các sản phẩm chế biến gỗ, nhằm phát huy lợi thế của địa phương.

Với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp khoảng 469.857 ha, Yên Bái là địa phương có sản lượng gỗ lớn trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Mỗi năm, Yên Bái tiến hành trồng bình quân trên 15.000 ha rừng các loại, khối lượng gỗ khai thác hằng năm đạt trên 480.000 m3. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn, thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến gỗ phát triển.

Yên Bái: Tiếp sức cho công nghiệp chế biến gỗ
Sản phẩm gỗ Đăng Khoa được người tiêu dùng đánh giá cao

Theo ông Vũ Vinh Quang – Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, thời gian qua, ngành Công Thương đã tham mưu với tỉnh xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến gỗ rừng trồng tỉnh Yên Bái; định hướng phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh theo hướng đầu tư chiều sâu, tạo bước đột phá trong đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ, nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu, trên cơ sở đầu tư chế biến tổng hợp của một hoặc nhiều DN…

Nhờ đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái tương đối phát triển, nhiều cơ sở chế biến gỗ đã đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nên sản phẩm cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Để hiểu rõ hơn về thực tế đó, chúng tôi đã tới thăm DN tư nhân Đăng Khoa - một trong những DN tiêu biểu trong ngành chế biến gỗ tại địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, giám đốc Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ, ngành gỗ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có sự cạnh tranh gay gắt. Sản phẩm của DN không chỉ phải cạnh tranh với các DN trong nước mà còn phải cạnh tranh với đối thủ từ các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, với 21 năm kinh nghiệm, DN Đăng Khoa đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị trường và có những chính sách phát triển phù hợp. Cụ thể, DN đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà máy, với hệ thống dây chuyền hiện đại được nhập khẩu từ Nhật Bản và Đài Loan để sản xuất gỗ thanh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Giữa muôn vàn sản phẩm gỗ chế biến, ông Nguyễn Đăng Khoa đã tìm lối đi riêng cho DN khi tập trung cốt lõi vào gỗ ghép và ván sàn nhà. Đi cùng với việc đầu tư công nghệ, DN tư nhân Đăng Khoa đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề, nhờ vậy sản phẩm của DN luôn đạt chất lượng cao, thỏa mãn nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, DN còn được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công khi xây dựng mô hình trình diễn, đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến tìm kiếm đối tác. Nhờ vậy, đến nay DN đã có nguồn thị trường xuất khẩu ổn định. Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu từ 4-6 container ghép thanh - 4 container nội địa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 80 người lao động (NLĐ) tại địa phương.

Hoạt động khuyến công đã đem lại nhiều lợi ích cho DN, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh và thu nhập của NLĐ, trung bình lương công nhân của DN hiện nay từ 7,5 – 8 triệu đồng/tháng, đời sống của NLĐ được cải thiện, mọi chế độ đều được DN đáp ứng đầy đủ.

Với chất lượng và thương hiệu đã được xây dựng, ngày càng có nhiều khách hàng đến tìm hiểu và ký hợp đồng làm ăn trực tiếp với DN. Các sản phẩm gỗ của Đăng Khoa đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó đã minh chứng cho chất lượng sản phẩm của Đăng Khoa nói riêng và của Yên Bái nói chung.

Nhờ phát huy lợi thế, nên dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng 21 năm qua, DN Đăng Khoa đã sản xuất ổn định, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, trở thành DN tiêu biểu trong chế biến lâm sản tại địa phương.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan