Những năm qua, cùng các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế này, Yên Bái đã khai thác hiệu quả về vị trí địa lý, phát huy lợi thế nối giao thông, thế mạnh của địa phương để cùng tăng cường liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
|
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sản phẩm của Yên Bái trưng bày tại Hội chợ xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Côn Minh, Trung Quốc. |
Yên Bái nằm ở khu vực trung tâm của vùng trung du, miền núi Bắc bộ và nằm ở cửa ngõ khu vực Tây Bắc, kết nối thuận lợi liên vùng thông qua tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cùng với hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa và các tuyến quốc lộ đi đến các tỉnh trong vùng, trở thành điểm trung chuyển tạo điều kiện rất thuận lợi để Yên Bái phát triển logistics, tạo lập vị thế là trung tâm liên kết phát triển của vùng, tăng cường hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại, phát triển văn hóa - xã hội với các tỉnh trong vùng, cả nước và hội nhập quốc tế. Hiện, tỉnh Yên Bái đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, địa phương trong nước và quốc tế.
Ở trong nước, đã ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh Lào Cai; hợp tác liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh. Ở ngoài nước, đã ký kết hợp tác với các tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Xay-Nha-Bu-Ly (Lào); tỉnh Van-De-Marne (Pháp); tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và thành phố Mimasaka (Nhật Bản).
Ngoài ra, tỉnh cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Thái Nguyên và 7 trường đại học kỹ thuật trọng điểm về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, đề án, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái và một số nội dung khác; ký kết hợp tác toàn diện về lĩnh vực y tế với Bệnh viện Bạch Mai...
Trong khuôn khổ hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung, tỉnh Yên Bái đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Riêng với tỉnh Vân Nam, đã ký kết thỏa thuận hợp tác từ năm 2019, hai tỉnh đã tổ chức trao đổi các đoàn công tác làm việc, học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, xúc tiến thương mại; bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn 9 tỉnh, thành phố; trong đó, có Yên Bái; tham gia Hội chợ Trung Quốc - Nam Á và Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh thường niên.
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã trao đổi nhiều đoàn công tác với trên 200 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Yên Bái đi làm việc, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức và xúc tiến thương mại tại tỉnh Vân Nam. Điểm nổi bật phải kể đến hoạt động thu hút đầu tư trên tuyến hành lang kinh tế này. Trong những năm qua, Yên Bái đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) định kỳ hàng năm. Với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 600 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 95.200 tỷ đồng và trên 402 triệu USD.
Một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn BB Group, Tập đoàn TH, Euro Window... đã và đang triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong số các dự án kể trên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 18 dự án của nhà đầu tư Trung Quốc đang thực hiện (chiếm 51,4% số dự án FDI trong toàn tỉnh), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 88,9 triệu USD (tương đương khoảng 2.090 tỷ đồng), chiếm 32,5% tổng số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong toàn tỉnh. Bên cạnh thu hút đầu tư, hợp tác trao đổi thương mại trên tuyến hành lang này cũng được tỉnh Yên Bái hết sức quan tâm.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống của tỉnh với các mặt hàng nông sản như: sắn và các sản phẩm từ sắn; quế và các sản phẩm từ quế; gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ (đũa gỗ, gỗ xẻ thanh); sản phẩm chè; các sản phẩm may mặc; hạt nhựa; khoáng sản (đá CaCO3 dạng bột).
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: "Từ năm 2019 đến nay, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 8% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh (tương đương 70 triệu USD). Năm 2019 - 2020 chiếm khoảng 5%, năm 2021 chiếm 8% (tương đương 18 triệu USD), năm 2022 chiếm 12% (tương đương 35 triệu USD). Năm 2021, do tình hình dịch bệnh nên giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh và mặt hàng quế của tỉnh hầu như không xuất khẩu được sang Trung Quốc…
Năm 2022, giá trị xuất khẩu của tỉnh Yên Bái sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 12% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh (tương đương 35 triệu USD). Qua 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng giá trị (tương đương 42 triệu USD).
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành công thương, một số mặt hàng có thế mạnh của tỉnh đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng giá trị chưa cao, chưa xứng với tiềm năng thế mạnh. Nhóm hàng nông lâm sản chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc trung bình chiếm tỷ trọng khoảng 25% giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của tỉnh; nhóm hàng khoáng sản chiếm tỷ trọng 6% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh (tương đương 19 triệu USD); một số mặt hàng nông sản như: chè, quế, tinh bột sắn... bị hạn chế xuất khẩu do dịch bệnh; một số doanh nghiệp của tỉnh không xuất khẩu trực tiếp do chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, sản lượng.
Phát huy những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong tuyến hành lang kinh tế này, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường công tác giao lưu hữu nghị; đẩy mạnh kết nối giao thông; tăng cường, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, y tế; thúc đẩy phát triển và hợp tác logistics qua biên giới; hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp 5 tỉnh, thành phố nằm trong hành lang kinh tế Việt - Trung.
Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị cấp địa phương bằng nhiều hình thức phù hợp, có hiệu quả. Trong thu hút đầu tư, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh Yên Bái có thế mạnh như: nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, dịch vụ du lịch, công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng gắn với vùng nguyên liệu và có dư địa phát triển, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, thân thiện và bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, sử dụng nhiều lao động địa phương.
Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung năm 2023 vừa được tổ chức tại tỉnh Lào Cai, góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển giữa các tỉnh, thành phố trên tuyến Hành lang kinh tế "Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh", các tỉnh, thành phố của Việt Nam với vùng Tây Nam, Trung Quốc.
Bên cạnh đẩy mạnh thu hút đầu tư với những lợi thế đã có của Việt Nam và Trung Quốc, nhất là những lợi thế về thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại cả ở cấp độ song phương và đa phương, đặc biệt là hiệp định thương mại biên giới và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới RCEP đã mở ra cơ hội lớn về hợp tác, phát triển thương mại giữa hai nước nói chung và hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng.
Vì vậy, Yên Bái mong muốn các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế, đặc biệt là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) quan tâm, hỗ trợ công tác thông tin, xúc tiến thương mại đối với thị trường Trung Quốc; giới thiệu quảng bá các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh và tiếp tục là cầu nối giữa các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái và doanh nghiệp Trung Quốc để đẩy mạnh kết nối giao thương; hỗ trợ giúp đỡ để các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp của tỉnh có nhiều cơ hội được tiếp xúc, trao đổi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu văn hóa tiêu dùng, văn hóa truyền thống của người Trung Quốc, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu phù hợp.
Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Yên Bái trong việc vận chuyển hàng hóa, đưa các sản phẩm của tỉnh sang trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các gian hàng giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Yên Bái tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ được tổ chức tại Trung Quốc như: Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc (Caexpo) tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Hội chợ Kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt tại huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội chợ Trung Quốc - Nam Á và Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh (Trung Quốc)… Và trên hết, tỉnh Yên Bái mong muốn trong thời gian tới, được tham gia hợp tác với các tỉnh, thành phố và trở thành thành viên chính thức trong hành lang kinh tế Việt - Trung, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Báo Yên Bái