Công nhân Công ty cổ phần Hòa Bình Minh chăm sóc hoa tươi phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. |
Theo đó, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chú trọng quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm và phát triển bền vững thị trường nội địa.
Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: quế, cam, chè, gạo, sơn tra… nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường: Ấn Độ, Thái Lan, Myanma…, đổi mới chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh được kết nối, giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm song song với xây dựng, củng cố thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Tích cực chủ động trong xây dựng các mối quan hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến với vùng cung cấp nguyên liệu và các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả 10 năm trở lại đây, các hoạt động bán hàng Việt khuyến mại đạt trên 30 tỷ đồng; tổ chức cho trên 8.000 lượt doanh nghiệp tham gia trên 5.400 gian hàng tại các hội chợ triển lãm, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của hơn 900.000 lượt khách với tổng mức doanh thu hơn 420 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp, các ngành của tỉnh còn phối hợp tổ chức hơn 80 hội chợ cho trên 1.500 doanh nghiệp tham gia triển lãm hàng hóa, đưa hàng Việt về nông thôn với hơn 350.000 lượt khách tham quan, mua sắm, đạt mức doanh thu hơn 180 tỷ đồng.
Từ năm 2009 đến nay, Sở Công Thương đã xác nhận đăng ký và tiếp nhận theo dõi hơn 300 lượt doanh nghiệp với trên 800 gian hàng, trên 100.000 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu trên 7 tỷ đồng. Riêng các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng có trên 500 doanh nghiệp tham dự, thu hút trên 280.000 lượt khách tham quan và mua sắm hàng hóa với doanh thu hơn 20 tỷ đồng.
Nhằm khuyến khích phát triển, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của địa phương, tỉnh Yên Bái đã tăng cường mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước.
Từ năm 2016 – 2018, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương mạnh dạn tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm có thế mạnh của mình tại 43 hội chợ được tổ chức tại các tỉnh, thành trong nước như: Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nam…
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ Việt Nam Expo tại Hà Nội, Hội chợ công thương 28 tỉnh phía Bắc, Hội chợ Hùng Vương tại Phú Thọ và các hội chợ quảng bá đặc sản vùng, miền tại Hà Nội…, góp phần tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến đông đảo người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở rộng thị trường hợp tác, đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đặc biệt, tỉnh còn có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương trong công tác đào tạo nghề, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm để phát triển sản phẩm mới tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Qua đó, chẳng những giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất trong tỉnh thiết lập hệ thống phân phối, tổ chức tốt các dịch vụ thương mại và chăm sóc khách hàng. Kết quả, đến nay, có 80 đơn vị được tỉnh hỗ trợ đăng ký xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như: gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh (Yên Bình); chè Suối Giàng, cam Văn Chấn; quế (Văn Yên); miến Giới Phiên (thành phố Yên Bái)…
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và xúc tiến xuất khẩu cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Cụ thể, trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn về thương mại điện tử cho cán bộ, công chức và người lao động của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và các địa phương của tỉnh.
Qua đó, tuyên truyền rộng rãi kiến thức thương mại điện tử nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, nhân viên các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh được làm quen và tạo thói quen tiếp cận hình thức kinh doanh điện tử; giúp giảm chi phí kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường, xây dựng mạng lưới kênh phân phối sản phẩm, tạo dựng uy tín khách hàng… đạt hiệu quả cao nhất.
Nhờ có sự khuyến khích đầu tư, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện của tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng tới mục tiêu phục vụ người tiêu dùng ngày một tốt hơn.
Điển hình là các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Công ty TNHH Hòa Bình, Công ty cổ phần Hòa Bình Minh…, đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Nguồn: YBĐT