Bạn đang ở đây

Yên Bái đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư

23/02/2023 09:11:00

Xác định doanh nghiệp vừa là động lực vừa là nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Yên Bái đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tối ưu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nỗ lực tạo dựng Yên Bái là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án đầu năm 2022.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án đầu năm 2022.

 

Những năm qua, các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Yên Bái không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 2.950 doanh nghiệp, 612 hợp tác xã, 5.923 tổ hợp tác. 

Đặc biệt, năm vừa qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, lạm phát ở nhiều quốc gia và khu vực tăng ở mức cao; việc tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa tiềm ẩn rủi ro về tài chính, kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, cùng với sự sát cánh của chính quyền, các doanh nhân bằng bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm đã phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận, mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Trong đó, ghi nhận nhiều doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, sản phẩm khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Quốc tế, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, Công ty TNHH Daeseung Global, Công ty cổ phần Eco Green Plastic... 

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh kịp thời cùng tinh thần đổi mới, chủ động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. 

Theo đó, năm 2022, các doanh nghiệp đã nộp ngân sách Nhà nước1.584 tỷ đồng, chiếm 62,8% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh, tăng 203 tỷ đồng so với năm 2021. Cộng đồng doanh nghiệp giải quyết, tạo việc làm cho 45.718 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7,3 - 7,5 triệu đồng/người/tháng; tham gia tích cực trong công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tạo nền tảng cho sự ổn định xã hội. 

Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong tỉnh đóng góp vai trò trọng yếu vào phát triển kinh tế của tỉnh, đưa kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 8,62%, đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. 

Những thành công và đóng góp nêu trên, bên cạnh trí tuệ, bản lĩnh của doanh nhân không thể không nói đến sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh và sự đồng hành của các sở, ngành và chính quyền các cấp, tỉnh Yên Bái đã và đang xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. 

Nhiều đề án, kế hoạch và những chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được triển khai; trong đó, phải kể đến các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, phát triển du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển kinh tế tập thể, phát triển nguồn nhân lực... 

Đồng thời, tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, ban hành kế hoạch hành động cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính toàn diện, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. 

Phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình "Cafe doanh nhân”; thành lập  tổ công tác chuyên giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hay việc tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân được duy trì qua hệ thống đường dây nóng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái. 

Đó là những việc làm rất cụ thể của lãnh đạo tỉnh, không chỉ tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp mà mục tiêu lớn hơn là tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển. 

Cùng với đó, không chỉ tạo nền tảng, động lực cho doanh nghiệp phát triển, tỉnh cũng đã có nhiều thay đổi trong thu hút đầu tư, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. 

Năm 2022, tỉnh Yên Bái đã thu hút được một đội ngũ doanh nhân cả trong và ngoài nước đổ vốn vào đầu tư; trong đó, có những dự án đầu tư có vốn lớn hàng trăm tỷ đồng như: nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời Create Capital Việt Nam của Công ty cổ phần Create Capital Việt Nam có tổng vốn đăng ký 600 tỷ đồng; Thủy điện Nậm Pươi của Công ty cổ phần Thủy điện Sạp Việt với tổng vốn đăng ký 517 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy tuyển quặng sắt xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên của Công ty cổ phần Gang thép BB CIM HOLDINGS (tổng vốn đăng ký 427 tỷ đồng), Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy tuyển quặng sắt Phương Đạo, xã Lương Thịnh và xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên của Công ty cổ phần Khoáng sản Hưng Phát tổng vốn đăng ký 471 tỷ đồng...

Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đẩy mạnh sản xuất cho những đơn hàng đầu năm 2023. 

 

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ thu hút đầu tư; trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, đảm bảo đúng định hướng phát triển. 

Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư của trung ương và của tỉnh, bảo đảm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư được tiếp cận đầy đủ các chính sách, tạo động lực cho triển khai các dự án đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở các cấp, các ngành, các địa phương. Ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư, tập đoàn lớn, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế đầu tư thực hiện các dự án có quy mô, phù hợp với định hướng của tỉnh. 

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục ở các khâu của quá trình thu hút đầu tư, đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả, trách nhiệm; thực hiện nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính”. Chủ động triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số. Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu. 

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” và Chương trình "Cà phê doanh nhân” để thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. 

Bên cạnh sự đồng hành của chính quyền, bản thân các doanh nhân cần tự đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp và đi đầu trong chuyển đổi số, nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng để sản xuất hàng hóa phù hợp, tìm kiếm thị trường nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn: Báo Yên Bái