YênBái - Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, huyện Văn Yên đã ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững, chế biến sâu.
Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả tại xã Đông An. |
Công ty cổ phần Yên Thành có trụ sở tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình thực hiện Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ. Với mô hình liên kết, các tiêu chí về kỹ thuật từ giống, phân bón, quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm măng tre Bát độ Văn Yên trên thị trường hướng đến xuất khẩu, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Dự án sẽ liên kết được các hộ sản xuất thành tổ hợp tác liên kết với đơn vị chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ đó làm tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Người dân và cộng đồng địa phương sẽ được tiếp cận các quy trình công nghệ từ các công đoạn về sản xuất giống, trồng thâm canh, sơ chế, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín”.
Nhà máy Sắn Văn Yên cũng thực hiện bao tiêu sản phẩm của Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sắn gắn với canh tác bền vững trên đất dốc Văn Yên.
Ông Nguyễn Huy Thông – Giám đốc Nhà máy Sắn Văn Yên cho biết: "Mục tiêu của Dự án là phát triển các giống sắn mới có năng suất tinh bột cao, áp dụng các biện pháp canh tác sắn bền vững, giảm xói mòn. Sự đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ gắn với đào tạo nông dân và kết nối thị trường trên cơ sở liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu hiện nay của các địa phương thực hiện Dự án”.
Dự án xây dựng 5 điểm trên diện tích 200 ha phát triển giống sắn mới kết hợp sử dụng băng sinh học bền vững, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế từ 20 - 25% so với đại trà theo chuỗi giá trị; thành lập được các tổ, nhóm liên kết sản xuất sắn, bước đầu xây dựng được mối liên kết giữa các tổ, nhóm sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; xây dựng được chuỗi liên kết kiểu mẫu "4 nhà”; tập huấn được 1.000 lượt hộ nông dân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác phát triển giống sắn mới bền vững trên đất dốc, đào tạo phát triển tổ nhóm.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, huyện Văn Yên đã ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững, chế biến sâu.
Huyện Văn Yên được UBND tỉnh phê duyệt 6 danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Đến thời điểm này, huyện triển khai thực hiện và giải ngân 4/6 dự án sản xuất theo chuỗi, đảm bảo kế hoạch về diện tích, tiến độ gồm: Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh triển khai tại 4 xã là An Bình, Đông An, Lâm Giang và Tân Hợp với tổng diện tích gần 44 ha, 89 hộ tham gia, kinh phí thực hiện trên 8,6 tỷ đồng.
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm sắn và canh tác bền vững trên đất dốc được triển khai tại 5 xã là Mậu Đông, Quang Minh, Đông Cuông, An Bình và Lâm Giang, tổng diện tích 200 ha với 400 hộ tham gia, kinh phí thực hiện trên 7 tỷ đồng. Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ triển khai trên địa bàn 4 xã là An Bình, Tân Hợp, Đông An, Lâm Giang; quy mô trồng mới 60 ha, chăm sóc 30 ha đã cho sản phẩm, kinh phí thực hiện trên 6,5 tỷ đồng.
Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá tầm thương phẩm triển khai trên địa bàn xã Nà Hẩu với quy mô 24 bể cá. Các dự án này đã tạo mối liên kết trong sản xuất giữa người nông dân và đơn vị bao tiêu sản phẩm, tạo thành chu trình hiệu quả từ khâu cung ứng giống chất lượng đến khâu sản xuất và tiêu thụ.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, huyện tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn: Báo Yên Bái