Bạn đang ở đây

Yên Bái: Bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin

09/05/2019 10:47:25

Xác định công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là trong hiện đại hóa, phục vụ cải cách hành chính (CCHC), giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, làm cho nội dung công tác quản lý nhà nước ngày càng minh bạch hơn, xử lý công việc nhanh chóng, thuận lợi hơn…, việc ứng dụng CNTT đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.

 

Từ tháng 6/2018, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh với hơn 1.600 thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ tại Trung tâm đã đi vào hoạt động. Sau đó 10 tháng, ngày 1/4/2019, bộ phận phục vụ hành chính công (BPPVHCC) tại 9 huyện, thị, thành phố và 180 xã, phường với 414 TTHC tiếp tục đi vào hoạt động. 

 

Theo đó, các TTHC đưa vào Trung tâm và các bộ phận đều được quy trình hóa theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; 100% hồ sơ, TTHC được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả; 100% hồ sơ, TTHC được số hóa xử lý trên môi trường mạng… Đây thật sự là một sự nỗ lực của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc ứng dụng CNTT để tạo thêm bước đột phá trong CCHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

 

Về hiệu quả từ CNTT, anh Hà Đức Việt - công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp tại BPPVHCC xã Minh An, huyện Văn Chấn cho biết: "Việc đầu tư máy móc, trang thiết bị và tập huấn phần mềm CNTT đã giúp chúng tôi rất thuận lợi cho giải quyết công việc của người dân”.

 

Tuy là một tỉnh miền núi khó khăn nhưng với tầm nhìn và hướng đi đúng xu thế, Yên Bái đã dành nguồn lực để đầu tư cho việc ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa nền hành chính, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. 

 

Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay được triển khai tại 111 điểm, trong đó có 33 điểm là các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, 78 xã, phường, thị trấn. 

 

100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao ADSL, FTTH với 100% máy tính (1.683 chiếc) được kết nối Internet. 100% huyện, thị thành, phố đã có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao ADSL, FTTH với 100% số máy tính (863 chiếc) được kết nối Internet. 

 

100% các xã, phường, thị trấn được kết nối Internet bằng ADSL, FTTH, 3G với tổng số máy tính tại các UBND cấp xã là 3.831 chiếc được kết nối mạng. Các cơ quan, đơn vị đều sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông triển khai. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng phần mềm riêng E-office. 

 

Đặc biệt, hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Yên Bái đã được đầu tư, triển khai, áp dụng tại 22 đơn vị và 100% huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn. Đến nay, 100% tổng số cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện được cấp tài khoản thư điện tử của tỉnh và 300 tài khoản cấp xã. 

 

Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh Yên Bái đã được triển khai mở rộng tới 14 điểm cầu trong tỉnh. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì tốt việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn.

 

Cụ thể như: phần mềm quản lý ngân sách, quản lý tài sản; cấp mã số đối tượng ngân sách, trao đổi dữ liệu thu chi (Sở Tài chính); phần mềm thẩm định công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ); phần mềm quản lý cán bộ giáo viên; phần mềm hệ thống thông tin giáo dục (EMIS); phần mềm quản lý tuyển sinh chuyên nghiệp, Trang thông tin điện tử ngành giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo); cài đặt, khai thác sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, công chức; quản lý địa giới hành chính (Sở Nội vụ); phần mềm quản lý số liệu chuyên ngành thông tin và truyền thông trực tuyến trên mạng, phần mềm quản lý báo chí, xuất bản lưu chiểu (Sở Thông tin và Truyền thông)... 

 

Việc tập huấn, chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức được duy trì thường xuyên. Đến nay, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trình độ tin học theo quy định, đáp ứng yêu cầu công việc.

 

Có thể khẳng định, việc hiện đại hóa nền hành chính qua ứng dụng CNTT đã tạo bước đột phá trong CCHC, thu hút đầu tư. Việc ứng dụng CNTT đã góp phần để tỷ lệ giải quyết hồ sơ trả kết quả đúng hạn và trước hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh thời gian qua đạt 99,7%, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt 99,9% và tại BPPVHCC tại 9 huyện, thị, thành phố và 180 xã, phường với 414 TTHC của tỉnh đạt 99,9%; mức độ hài lòng đạt 100%. 

 

Ứng dụng CNTT đã góp phần nâng chỉ số PCI của tỉnh năm 2018 tăng 4 bậc, chỉ số CCHC của tỉnh tăng 14 bậc so với năm 2017.

 

Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh CCHC và cải thiện môi trường, cùng nhiều giải pháp triển khai, tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với đề án đô thị thông minh tại thành phố Yên Bái; đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung phần mềm quản lý điều hành thống nhất từ tỉnh xuống cấp huyện. 

 

Theo đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng hoàn thành hệ thống giao ban trực tuyến và Cổng dịch vụ công trực tuyến thay thế phần mềm của Trung tâm Phục vụ hành chính công, khi đó tất cả mọi người dân, doanh nghiệp ở bất cứ đâu có Internet đều có thể truy cập để đăng ký các TTHC và biết được mức độ, tình trạng đang giải quyết TTHC ở cấp tỉnh, huyện, xã. 

 

Có lẽ, đây sẽ là một trong những giải pháp góp phần giải quyết căn bản việc chậm, muộn giải quyết TTHC cũng như thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp.

Nguồn: Báo Yên Bái