Nhiều cuộc kết nối giao thương trực tuyến đã được mở ra với nhiều thị trường, giúp các DN tận dụng được cơ hội trong dịch để xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng, đối tác hậu COVID-19 tại các thị trường khác nhau.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, với mục tiêu hỗ trợ DN Việt Nam thực hiện đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, tìm ra những thời cơ mới trong các mối nguy phát sinh từ dịch COVID-19, nhiều cuộc kết nối giao thương trực tuyến đã được mở ra với nhiều thị trường, giúp các DN tận dụng được cơ hội trong dịch để xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng, đối tác hậu COVID-19 tại các thị trường khác nhau.
Đơn cử, tại Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) có sự kết nối và tham gia của hơn 150 DN hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, trong đó có 35 DN Việt Nam. Sau hội nghị, nhiều DN Việt đã bước đầu có sự kết nối, hợp tác và ký kết hợp đồng. Đây là những tín hiệu tích cực giúp cho các DN có động lực sản xuất, xuất khẩu.
Bà Văn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee - một trong 35 DN Việt tham gia hội nghị cho rằng, dịch COVID-19 khiến các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm của công ty không thực hiện được.
Hình thức kết nối trực tuyến không chỉ giúp DN tìm kiếm đối tác mới, mà còn giúp DN ổn định sản xuất, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ngay khi hết dịch bệnh và thị trường mở cửa trở lại.
Sau buổi kết nối, Công ty đã gửi lô hàng mẫu đầu tiên tới một đối tác ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kết nối kinh doanh lâu dài. “Một DN khác ở tỉnh Quảng Tây cũng dự định phân phối cà phê của chúng tôi tới chuỗi cửa hàng đồ uống của họ. Hy vọng thị trường hơn 1 tỷ dân ngay sát Việt Nam sẽ là điểm đến để công ty tăng xuất khẩu thời gian tới, bà Loan chia sẻ.
Về thị trường Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam cho rằng, Trung Quốc với dân số đông, nhu cầu hàng hoá lớn sẽ là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Bình quân mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD hàng nông sản.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, như vậy còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm dồi dào cho thế giới. |
Đặc biệt, Việt Nam đang sản xuất rất nhiều nông sản như vải, cà phê,… được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, do vậy hai nước có triển vọng to lớn trong hợp tác thương mại trong lĩnh vực hàng nông sản và thực phẩm.
Trong tình hình hiện nay, việc tận dụng Internet để triển khai hình thức giao thương là xu hướng tất yếu. Hy vọng trong thương mại Trung Quốc - Việt Nam, giao dịch trực tuyến trở thành hình thức mới và không thể thiếu trong tương lai.
Không chỉ với thị trường Trung Quốc, mới đây, thị trường Campuchia, Ấn Độ, Mỹ… cũng được thúc đẩy kết nối, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc hoãn, cắt giảm các đơn hàng. Những cuộc hội đàm trực tuyến, tới hội nghị trực tuyến giữa DN ngành hàng khác nhau cũng liên tục được tổ chức nhằm khơi thông dòng chảy trong hoạt động XNK, giúp DN nối lại chuỗi cung ứng, khôi phục sản xuất.
Đánh giá về thị trường Ấn Độ, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, chính phủ hai nước đều nhận thấy trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong các ngành hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, hàng cơ khí… Nhóm ngành hàng hai nước có thể bổ trợ, tăng cường giá trị gia tăng như: sắt thép, kim loại thường, hóa chất, dược phẩm, nhựa và các sản phẩm từ nhựa…
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt quả thanh long và cá ba sa rất được ưa chuộng tại Ấn Độ; các sản phẩm hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại gia vị, quế hồi, thảo quả, đinh hương còn nhiều dung lượng để phát triển thị trường.
Theo ông Tài, để thực hiện được mục tiêu tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Nepal, một trong những kênh giao thương quan trọng và thuận lợi chính là thông qua cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại 2 thị trường này. Ước tính hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người tại Nepal. Tại 2 thị trường này, các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển tại hai thị trường Nam Á này hơn nữa khi có sự đồng thuận và nỗ lực tham gia các hoạt động XTTM của các cơ quan, tổ chức XTTM và cộng đồng DN trong nước cũng như kiều bào tại Ấn Độ và Nepal.
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, nhờ đẩy mạnh thương mại trực tuyến mà DN đã bán sản phẩm tới Nga, Hoa Kỳ, Singapore. DN tận cả mạng xã hội để kết nối trực tuyến với bạn hàng khắp thế giới. Kết nối giao thương trực tuyến là hướng đi hợp thời mà DN cần quan tâm nếu muốn vươn ra toàn cầu. Đây là một cách tiếp cận khách hàng nhanh và rất thuận tiện.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm dồi dào ở châu Á cho thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức và giá trị gia tăng với giá cả cạnh tranh, chắc chắn đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của DN và người tiêu dùng tại các thị trường khác nhau. Do vậy, ở góc độ quản lý, các đơn vị xúc tiến thương mại Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam kết nối kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài với các đối tác.
Nguồn: Cục XTTM