Bạn đang ở đây

Xuất khẩu trái cây khởi sắc

16/05/2019 10:15:46

Đơn cử như với trái xoài, từ khi Việt Nam thực hiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Mỹ (ngày 18/4), nhiều lô xoài Việt Nam tiếp theo đã liên tục được đưa sang thị trường này. Riêng với Công ty Vina T&T, kể từ sau ngày 18/4, ngày nào cũng xuất xoài sang Mỹ bằng cả 2 đường hàng không và đường biển, mỗi ngày đi khoảng 7-8 tấn. Tính đến đầu tháng 5 (trừ những ngày nghỉ lễ), Vina T&T đã xuất khẩu được khoảng 70 tấn xoài sang thị trường này với giá tốt.

xuat khau trai cay khoi sac
Xử lý trái xoài để xuất khẩu sang Mỹ ở Công ty Vina T&T

Ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ Công ty Vina T&T, cho biết, dù mới xuất khẩu sang Mỹ được ít ngày, nhưng xoài Việt Nam đã nhanh chóng được người tiêu dùng nước này chấp nhận, nhất là với giống xoài tượng dùng để ăn sống. Bên cạnh đó là các giống xoài khác như xoài keo, xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc… Trong đó, xoài cát Hòa Lộc có giá bán cao nhất.

Nhu cầu nhập khẩu xoài của Mỹ là rất lớn. Nếu giữ vững được chất lượng và khả năng cung ứng, xoài hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành một trong những loại trái cây chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, và có thể chiếm tới khoảng 20% tổng giá trị trái cây mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam. Cũng nhờ có thêm trái xoài được xuất khẩu sang Mỹ, năm nay, giá trị xuất khẩu trái cây sang thị trường này có thể tăng khoảng 30%.

Ngoài trái xoài, xuất khẩu vú sữa sang Mỹ cũng đã đi vào ổn định khi mà các vùng trồng đã đáp ứng được những yêu cầu của nước này. Do đó, xuất khẩu vú sữa sang Mỹ dự kiến cũng sẽ tăng trong thời gian tới. Các loại trái cây khác như chôm chôm, nhãn, thanh long… cũng đã làm tốt hơn ở khâu sản xuất để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính.

Riêng với thị trường Trung Quốc, việc nước này siết chặt truy xuất nguồn gốc với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam, tuy có gây ra ít nhiều khó khăn cho xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong những tháng qua, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng về giá trị xuất khẩu rau quả trong năm nay, nhưng đây cũng là một điều tích cực. Bởi khi Trung Quốc cũng đã làm mạnh về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm…, thì các nhà vườn sẽ buộc phải đi vào sản xuất rau quả một cách bài bản và có trách nhiệm hơn. Nhờ vậy, nếu như trước đây, phần nhiều rau quả Việt Nam mỗi khi bị “ách” đường sang Trung Quốc, thì không thể bán đi các thị trường khác. Nhưng khi thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, buộc các nhà vườn Việt Nam phải sản xuất bài bản hơn, thì sản phẩm làm ra, nếu không bán sang Trung Quốc, thì hoàn toàn có thể đi những thị trường khác.

Maroc siết kiểm tra cơm dừa nhập khẩu

Theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc, cơ quan kiểm dịch Maroc đang thắt chặt việc kiểm tra đối với mặt hàng cơm dừa nhập khẩu vào nước này.

Theo đó, các lô hàng đến cảng sẽ được lấy mẫu thí nghiệm kiểm tra hàm lượng SO2 trong sản phẩm. Quy định kiểm dịch của Maroc chỉ cho phép thông quan đối với cơm dừa có chỉ số SO2 tối đa là 50 mg/kg.

Trên thực tế thời gian qua, kết quả kiểm tra xác suất cho thấy các lô hàng cơm dừa từ nhiều nguồn đến Maroc có hàm lượng SO2 cao, vượt quá chỉ số cho phép nhập khẩu. Trong đó, có những lô hàng có hàm lượng SO2 lên tới 136 mg/kg. Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Maroc thông báo và khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang Maroc cần lưu ý và làm rõ với các đối tác mua hàng Maroc để tránh vướng mắc gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Công thương